Ngân hàng Mỹ khổ vì… thừa tiền

(Dân trí) - Trong một buổi nói chuyện với các nhà phân tích vào tháng 1, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase nói từ giữa đến cuối năm 2010, nhiều ngân hàng sẽ rơi vào bi kịch “thừa vốn”.

Ngân hàng Mỹ khổ vì… thừa tiền - 1
Ngân hàng Mỹ sau khủng hoảng thiếu vốn là bi kịch thừa tiền.
 
“Thừa vốn” nghe qua có vẻ tốt, nhất là khi chỉ mới khoảng một năm trước chính quyền liên bang còn đang chạy đua để cứu hệ thống tài chính Mỹ khỏi sụp đổ. Tuy vậy, đáng bất ngờ là có quá nhiều tiền cũng phiền phức y như chẳng có gì vậy.

Áp lực lên ông Dimon và các CEO ngân hàng khác dâng cao từ nhiều hướng: cổ đông muốn tăng cổ tức; doanh nghiệp nhỏ nói ngân hàng nên cho vay nhiều hơn để phục hồi kinh tế; và chính quyền thì muốn đánh thuế các ngân hàng lớn để bù đắp cho khoản thua lỗ của chương trình cứu trợ dự kiến lên tới 117 tỷ USD.

Trong số đó, đòi hỏi tăng cổ tức của cổ đông có nhiều khả năng thành công nhất. JPMorgan Chase, vốn được coi là quản lý tốt nhất trong số các ngân hàng lớn, có lẽ sẽ là ngân hàng đầu tiên tăng cổ tức.

Matthew D. McCormick, nhà quản lý danh mục và phân tích ngân hàng tại Bahl & Gaynor Investment Counsel nói: “Ngân hàng nào tăng cổ tức đầu tiên sẽ gây ấn tượng với toàn bộ giới đầu tư”.

Có nhiều lý do để trả tiền cho cổ đông. Lợi suất trung bình từ cổ tức các ngân hàng lớn, tức là cổ tức chia cho giá cổ phiếu, đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1997. Các cơ quan điều tiết liên bang hiểu rằng ngân hàng muốn thưởng cho cổ đông để họ sẵn sàng mua số cổ phiếu phát hành thêm trong tương lai qua đó củng cố cho số vốn của ngân hàng.

JPMorgan Chase đi đầu sẽ tạo sức ép tăng cổ tức lên các ngân hàng khác, dù tình hình tài chính của họ không vững chắc bằng. Dù U.S. Bancorp và BB&T có thể tăng cổ tức trong năm nay nhưng Citigroup và Bank of America không thể làm vậy chí ít đến năm 2011.

Thừa vốn chưa chắc đã là khỏe mạnh. Ví dụ như vốn của Citi chiếm 11,7% tổng tài sản, cao hơn con số 11,1% của JPMorgan Chase và vượt xa yêu cầu tối thiểu 6% nhưng không ai lại cho rằng Citi đang ở trong tình trạng tốt. Ngân hàng này thông báo khoản lỗ 7,6 tỷ USD trong quý IV và tỷ lệ vỡ nợ trên danh mục cho vay tiếp tục cao.

Trước khi JPMorgan hay bất kỳ ngân hàng nào tăng cổ tức cũng phải được sự thông qua của cơ quan giám sát. Bản quy tắc của FED viết các cơ quan điều tiết phải cân nhắc đến “lợi nhuận hiện tại và tương lai” khi thẩm tra yêu cầu này.

Một số nhà kinh tế cho rằng kể cả các định chế hùng mạnh nhất cũng nên giữ tiền mặt vì khi giá tài sản giảm mạnh có thể khiến họ mất thanh khoản và cần đến gói cứu trợ từ người nộp thuế.

“Chúng ta không muốn các ngân hàng lớn, dù cho có trách nhiệm hay không, đánh bạc với tiền của người nộp thuế,” Laurence J. Kotlikoff, nhà kinh tế tại ĐH Boston nói.

Một lý do để lo ngại là: Ngân hàng có thể vẫn kẹt trong thua lỗ vì danh mục cho vay bất động sản khổng lồ, Giám đốc Công ty tư vấn tài chính Navigant Capital Advisors, ông Edward Casas nói.

Một dấu hiệu cho thấy các tập đoàn chưa hoàn toàn nhận ra thua lỗ của mình là họ vẫn miễn cưỡng bán tài sản với cái giá hiện nay. Ông nói các giao dịch cỡ nhỏ và vừa “về cơ bản bị đóng băng” vì ngân hàng giữ giá chào quá cao.

“Tấm đệm” tiền mặt nêu bật một nghịch lý nữa: ngân hàng có nên tăng cường cho vay hay kiểm soát chặt khoản vay hơn để hạn chế rủi ro vỡ nợ? Giá trị các khoản vay giảm từ 7.300 tỷ USD vào tháng 10/2008 xuống dưới 6.700 tỷ USD vào đầu tháng 1/2010.

Lý do chính khiến tín dụng suy giảm là cuộc suy thoái đã biến những người đi vay tiềm năng thành những địa chỉ quá rủi ro và dập tắt nhu cầu tín dụng của số khác. “Nó không có lợi với một môi trường kinh doanh thân thiện với nhà  đầu tư” - Peter Sorrentino, người đang quản lý 13,8 tỷ USD tại Huntington Asset Advisors nói.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Obama nói Nhà Trắng hy vọng ngân hàng sẽ lấy số tiền này từ quỹ lương thưởng nhưng điều này không bắt buộc. Nói ngắn gọn là không ít người nhắm tới số “vốn thừa” của ngân hàng. Nhưng cho tới nay, có vẻ như cổ đông sẽ là người nhanh tay nhất.

Minh Tuấn (tổng hợp)