Ngân hàng lùng mua “con nợ”

Các ngân hàng đang ráo riết tìm mua lại khoản nợ của người vay tiền từ ngân hàng khác để tăng thêm dư nợ cho vay, còn người vay giảm được chi phí về lãi suất.

“Tôi  muốn  chuyển đổi khoản vay 2 tỉ đồng, lãi suất 12%/năm đến ngân hàng (NH) khác để được hưởng lãi suất thấp hơn” - chị Lê Thị Diệu (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đặt vấn đề với nhân viên tín dụng của một NH ở TP HCM. “Dễ thôi!” - nhân viên NH này khẳng định và cho biết sẽ “mua” lại khoản nợ của chị Diệu với tiền lời… 0 đồng.

 Nhanh, gọn, tiết kiệm… 

Thấy chị Diệu bất ngờ, nhân viên tín dụng cho biết việc “mua” lại khách hàng giữa các NH là chuyện thường ngày trên thị trường. Thông thường, khách hàng muốn chuyển đổi khoản vay từ NH A đến NH B sẽ có 3 phương thức: NH A và người vay đồng thuận bán nợ cho NH B; khách hàng vay tiền của NH B để trả hết nợ cho NH A và đơn giản nhất là NH B mang tiền đến NH A trực tiếp tất toán cho “con nợ”.

Minh họa: KHỀU.

Minh họa: KHỀU. 

“Bằng cách nào, bởi tôi không còn tài sản để thế chấp vay vốn NH khác?” - chị  Diệu băn khoăn. “Chị không lo khâu này. Trước khi tất toán cho chị, NH sẽ làm thủ tục cho vay với tài sản thế chấp là tài sản mà chị đã thế chấp ở NH bạn, lãi suất 10%-11%/năm áp dụng trong năm đầu tiên” - nhân viên tín dụng giải thích. “Nếu được như thế, một tháng tôi giảm được 10-20 triệu đồng tiền lãi” - chị Diệu tính toán rồi đề nghị nhân viên NH cung cấp hồ sơ để chuyển khoản vay từ NH cũ sang NH mới. 

Trong khi đó, anh Lê Văn Cảnh (quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết vừa chuyển đổi khoản vay 900 triệu đồng, lãi suất 10%/năm đến một NH khác để được hưởng lãi suất 9%/năm trong năm đầu tiên và không tốn khoản phí nào. 

“NH tôi cũng đang xúc tiến mua lại số nợ hàng trăm tỉ đồng của một doanh nghiệp (DN). Sau khi hoàn tất thủ tục, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản để DN tất toán nợ đã vay của NH bạn” - phó giám đốc một NH có hội sở tại Hà Nội tiết lộ. 

Dễ xảy ra tình trạng “đi đêm”

Để mua “con nợ” tiềm năng của NH khác, lãnh đạo một NH lớn tại TP HCM cho biết đã phải cử nhân viên liên tục đến chào mời DN với lãi suất chỉ 5%-6%/năm, đồng thời yêu cầu DN này chuyển toàn bộ tiền gửi thanh toán qua NH. Như  thế, với số dư tiền gửi của DN luôn ở mức hàng trăm tỉ đồng, NH chỉ chi trả lãi suất không kỳ hạn 0,5%/năm, tính ra NH cho vay với lãi suất cực thấp vẫn lời to. Ngoài ra, NH còn khai thác thêm khách hàng là các công ty con, CBCNV của DN nhằm tăng thêm dư nợ cho vay. 

Theo giới phân tích, do người muốn chuyển đổi khoản vay không còn tài sản thế chấp nên NH thường tạm ứng tiền để họ trả nợ cho NH bạn. Như thế, NH không phải tiêu tốn công sức khai thác, tìm kiếm mà vẫn thu hút được khách hàng tốt. 

“Việc mua lại “con nợ” từ NH khác là nghiệp vụ bình thường của các NH” - TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), đánh giá. Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý nghiệp vụ này phải bảo đảm được lợi ích của NH lẫn khách hàng thì  hai bên mới nên thực hiện. 

Đề cập việc NH này chèo kéo mua lại “con nợ” của NH khác, chuyên gia tài chính Lê Trí Hiếu phân tích: Trong bối cảnh nền kinh tế hấp thụ vốn yếu - cụ thể, chỉ trong tháng 2-2015, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động lên tới 14.040, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; còn số DN đăng ký thành lập mới là 13.700 - rõ ràng “chiếc bánh” cho vay không thể to ra. Trong khi đó, NH thương mại nhà nước luôn chiếm lĩnh 50% - 60% thị phần cho vay, buộc các NH khác phải cạnh tranh theo hướng lôi kéo khách hàng của NH bạn về vay vốn NH mình với lãi suất thấp hơn 1%-2% là hợp lý, hoặc cho vay với lãi suất cực thấp nhưng vẫn phù hợp với chi phí vốn đầu vào. 

“Trường hợp NH nào “đi đêm” với chủ DN rồi cho vay cả trăm tỉ đồng để DN tất toán khoản vay từ NH bạn thì đó là cạnh tranh không lành mạnh” - chuyên gia Lê Trí Hiếu cho biết.

 

Quy trình ngược

 

Muốn mua “con nợ” của NH A, thông thường NH B sẽ xem xét hồ sơ, định giá tài sản thế chấp, thẩm định năng lực trả nợ. Mặt khác, NH B cũng yêu cầu khách hàng ủy quyền cho mình trả nợ NH A và nhận lại tài sản đã thế chấp. Điểm đáng chú ý là quy trình cho vay có phần đảo ngược. Cụ thể, sau khi hai bên ký hợp đồng tín dụng, NH B sẽ giải ngân bằng cách mang tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng để tất toán số tiền mà họ đã vay NH A, rồi tiếp nhận tài sản thế chấp của khách hàng. Còn  khâu công chứng hợp đồng tài sản thế chấp đã được khách hàng và NH B ký trước. Sau khi nhận được tài sản thế chấp, NH B mang hợp đồng đến phòng công chứng đóng dấu.

 

Theo Thy Thơ
NLĐ

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”