Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị phạt gần 1 tỷ USD
(Dân trí) - Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase & Co vừa chấp nhận nộp phạt 920 triệu USD cho cơ quan chức năng Mỹ và Anh, liên quan đến khoản thua lỗ hơn 6 tỷ USD trong một giao dịch từng gây rúng động thị trường tài chính thế giới hồi đầu năm ngoái.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, JPMorgan Chase chấp nhận nộp số tiền trên để chấm dứt những cuộc điều tra của cơ quan chức năng đối với ngân hàng này.
Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), Văn phòng kiểm soát tiền tệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ và Cơ quan quản lý hoạt động tài chính (FCA) của Anh ngày hôm nay (19/9) đã ra tuyên bố chấp thuận đề xuất nộp phạt của JPMorgan Chase.
Trong khi đó Bộ tư pháp Mỹ và Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai vẫn đang tiếp tục điều tra con số thiệt hại tại văn phòng London của ngân hàng này. Văn phòng tổng đầu tư (CIO) này được giao nhiệm vụ giảm rủi ro và quản lý nguồn tiền gửi lớn.
Số lỗ hơn 6,2 tỷ USD đã khiến 2 cựu nhân viên giao dịch của ngân hàng này bị khởi tố hồi đầu tuần, cùng sự ra đi của ít nhất 4 quan chức chấp cao. Vụ việc cũng khiến uy tín của CEO Jamie Dimon, 57 tuổi, bị giảm mạnh. Thù lao năm 2012 của ông Dimon đã bị giảm một nửa.
Vụ thua lỗ từng khiến ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với tổng tài sản hơn 2.390 tỷ USD, theo xếp hạng quý I/2013 của Forbes, phải điều chỉnh lại kết quả kinh doanh. Giá trị vốn hóa của nhà băng này cũng “bốc hơi” 51 tỷ USD sau khi thông tin về giao dịch được tiết lộ. Nhân vật trung tâm của vụ việc, nhà giao dịch Bruno Iksil, thì đã trở nên nổi tiếng với biệt danh “cá voi London” do đầu cơ quá mạnh tay.
JPMorgan “đã thiếu giám sát đối với CIO và thất bại trong việc triển khai các biện pháp kiểm soát hữu hiệu, để đảm bảo việc cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho các lãnh đạo cấp cao” và hội đồng quản trị, Fed khẳng định. Trong khi đó SEC cho biết JPMorgan đã thừa nhận vi phạm các luật chứng khoán liên bang.
Vi phạm nguyên tắc cơ bản
“JPMorgan đã không thể giám sát các nhà giao dịch của mình khi họ định giá quá mức một danh mục đầu tư rất phức tạp để che giấu những khoản lỗ khổng lồ”, George S. Canellos, đồng giám đốc Khối thi hành của SEC tuyên bố.
“Các lãnh đạo cấp cao của JPMorgan đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản trong quản lý doanh nghiệp, và không cung cấp cho hội đồng quản trị những thông tin thiết yếu cần có để đánh giá đầy đủ vấn đề của doanh nghiệp, và xác định liệu những thông tin chính xác và đáng tin cậy đã được cung cấp cho nhà đầu tư và cơ quan chức năng hay chưa”.
Cựu lãnh đạo của Iksil là Javier Martin-Artajo và nhà giao dịch Julien Grout mỗi người đã bị khởi tố hôm 16/9 về 5 tội danh, bao gồm gian lận chứng khoán và âm mưu che giấu các khoản thua lỗ khi mức lỗ tăng lên. Cơ quan công tố Mỹ cho biết Iksil, người vẫn chưa bị khởi tố, đang hợp tác với họ.
Văn phòng kiểm soát tiền tệ Mỹ là cơ quan đưa ra án phạt cao nhất với 300 triệu USD. Theo sau đó là FCA của Anh với 137,6 triệu bảng Anh (tương đương 221 triệu USD). Fed và SEC mỗi cơ quan phạt JPMorgan 200 triệu USD.
Dù đã nộp phạt hơn 920 triệu USD, JPMorgan rất có thể còn phải nhận các án phạt khác từ Bộ tư pháp Mỹ, Ủy ban quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) và chưởng lý bang, những cơ quan vẫn đang tiếp tục điều tra.
CFTC đang điều tra xem liệu ngân hàng này có tháo tung các giao dịch phái sinh tín dụng hay không, trong khi Văn phòng trưởng lý Mỹ tại Manhattan, một cơ quan của Bộ tư pháp, đang tiến hành điều tra hình sự.
Theo nhà phân tích Charles Peabody của công ty Portales Partners LLC tại New York, tổn thất của nhà băng này vẫn chưa dừng lại. Các nhà đầu tư vẫn muốn biết rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của cuộc điều tra hình sự, ông Peabody nói. “Tôi không chắc những khoản tiền này có kết thúc được mọi thứ hay không bởi vẫn còn CFTC, Bộ tư pháp và các chưởng lý bang đang điều tra”.
Trong một bản báo cáo dài 301 trang, Tiểu ban thường trực về điều tra của Thượng viện Mỹ còn cáo buộc JPMorgan đã che giấu thua lỗ, đánh lạc hướng cơ quan chức năng và cung cấp thông tin sai lệch cho nhà đầu tư.
Đến nay, cựu giám đốc đầu tư Ina Drew và người đứng đầu Văn phòng tổng đầu tư quốc tế, Achilles Macris, đã phải từ chức. Giám đốc tài chính Douglas Braunstein và giám đốc điều hành mảng ngân hàng đầu tư Jes Staley cũng chịu chung số phận. JPMorgan đã thu hồi hơn 100 triệu USD thù lao của bà Drew cùng các lãnh đạo khác.
Trong khi đó thù lao của CEO Dimon trong năm 2012 đã bị hội đồng quản trị ngân hàng này cắt giảm 50% do cho rằng ông cũng có trách nhiệm trong vụ thua lỗ.
Thanh Tùng
Theo Bloomberg