Ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng và câu chuyện cổ phiếu "lên nhanh, xuống chậm"
Mới 9 tháng đầu năm nhưng kết quả kinh doanh của một số ngân hàng vừa công bố cho thấy đã cán đích kế hoạch năm với lợi nhuận nghìn tỷ đồng...
Để làm rõ về lợi nhuận ngân hàng đạt nghìn tỷ đồng, diễn biến giá cổ phiếu mới chào sàn trên thị trường chứng khoán, sáng nay (19/10), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Một số ngân hàng đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với các mức lãi nghìn tỷ đồng. Là ngân hàng vừa đưa cổ phiếu LPB lên sàn UPCoM, ông có thể tiết lộ kết quả hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank thời gian vừa qua?
Báo cáo tài chính quý III cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 523 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế là 419 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.433 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.125 tỷ đồng. Điều này cho thấy tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu khá cao, nếu tính đơn thuần thì đạt 18% trên vốn điều lệ.
Và với kết quả, triển vọng lợi nhuận, năm 2017 tỷ lệ cổ tức chi trả kế hoạch đại hội cổ đông giao chỉ ở mức 12% thì đã hoàn thành vượt kế hoạch.
Chúng tôi không có ý định phấn đấu tăng lợi nhuận bằng mọi giá, nếu đơn thuần phấn đấu vì lợi nhuận là trên hết thì năm nay LienVietPostBank vượt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận là trong tầm tay. Nhưng để hoạt động bền vững thì phải biết tính đường dài, đôi khi phải biết lùi một bước để tiến ba bước, tức là tập trung chi phí mở rộng mạng lưới, hiện đại hóa, tạo sản phẩm mới đột phá.
Đối với xã hội phải biết "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", chủ động giảm lãi suất cho vay để giúp khách hàng lớn, khách hàng chiến lược khi họ gặp khó khăn; đồng thời phải biết "gắn xã hội trong kinh doanh", làm tốt công tác từ thiện xã hội - một nhiệm vụ thường xuyên của LienVietPostBank!.
Như vậy có thể thấy, mới 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đã đạt tới 95,5% kế hoạch cả năm (1.500 tỷ đồng). Còn theo báo cáo mới nhất đến ngày "9 tháng 10 ngày" lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt tới 1.553 tỷ đồng, đạt 103,5% so với kế hoạch năm (ông Hưởng dí dỏm cho biết!).
Dự kiến, tổng doanh thu cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, đạt 128% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Những con số trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của LienVietPostBank có thể nói là hiếm thấy trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, tính đến 16/10, tổng tài sản đạt 148.000 tỷ đồng, huy động vốn của ngân hàng đạt 129.443 tỷ đồng; trong đó, huy động từ thị trường 1 đạt 116.448 tỷ đồng, chiếm 90% tổng huy động vốn, còn lại là huy động trên thị trường 2. Việc huy động thị trường 1 của một ngân hàng chiếm 90% thể hiện được sự ổn định về nguồn vốn của ngân hàng đó.
Ngày 5/10, cổ phiếu LPB đã chính thức lên sàn UPCoM và trong thời gian ngắn vừa qua cũng đã ghi được dấu ấn trên thị trường chứng khoán. Qua các phiên giao dịch, giá cổ phiếu đúng như ông chia sẻ "lên nhanh xuống chậm". Vậy ông có nhận định gì về giá cổ phiếu LPB trong thời gian tới?
Diễn biến của cổ phiếu LPB những ngày qua diễn ra đúng như tôi đã phát biểu tại buổi lễ chào sàn, ngày 5/10/2017: "giá cổ phiếu LPB sẽ do thị trường quyết định, có lên và có xuống, nhưng... lên nhanh xuống chậm".
Thực tế thì giá cổ phiếu của LienVietPostBank đã tăng rất nhanh kể từ đầu năm, vào khoảng 50% tính đến nay. Cho nên mức giảm hay sự điều chỉnh qua các phiên ở thị trường tập trung một cách chính thức này cũng là bình thường, thị trường điều tiết, trong đó có hoạt động cụ thể hóa giá trị sau quá trình đầu tư.
Như nói thật, tôi mong muốn trước mắt giá cổ phiếu ngân hàng giảm để cán bộ nhân viên LienVietPostBank và các nhà đầu tư nhỏ lẻ có điều kiện mua vào không phải chạy đua vào - ra không kịp, gây thua lỗ tội nghiệp.
Là người gắn bó với LienVietPostBank từ ngày đầu mới thành lập cho đến nay là Chủ tịch hội đồng quản trị. Bằng việc đưa cổ phiếu lên sàn như ông từng nói "để minh bạch, nhiều người giám sát mình hơn, mình sẽ tốt hơn", ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển ngân hàng trong thời gian tới?
Tháng 3/2018, LienVietPostBank đánh dấu tròn 10 năm hoạt động. Đây sẽ là dấu mốc cho một giai đoạn mới mà ngân hàng đã sẵn sàng để vươn mình.
Cùng với việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong tháng 10 này, ngay sau khi đưa cổ phiếu LPB lên đăng ký giao dịch trên UPCoM, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cho cán bộ nhân viên, phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm, lãi suất 8%/1 năm.
Điểm chính trong kế hoạch phát hành cổ phiếu lần này là làm sao đảm bảo LienVietPostBank sẽ là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà tất cả các lãnh đạo cho đến mỗi nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình. Chính sách này nhằm tạo điều kiện để tất cả mỗi thành viên trong hệ thống đều có trách nhiệm với “nồi cơm chung” là uy tín, hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đều có ý thức bảo vệ thương hiệu chung LienVietPostBank.
Tất cả đều là cổ đông thì đó cũng chính là trách nhiệm và lợi ích sát sườn của họ. Điều này không những đảm bảo tiền lương cho cán bộ nhân viên mà còn tăng thu nhập từ giá trị cổ phiếu với phương châm "sống bằng lương - giàu bằng thưởng".
Cùng với kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong nước và việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài…, ngân hàng sẽ chủ động và không chịu nhiều áp lực trước yêu cầu tăng vốn cho phát triển, cạnh tranh những năm tới, đảm bảo yếu tố an toàn cao theo chuẩn mực quốc tế!
Chúng tôi xác định, tất cả từ con người, tất cả vì con người, với tôn chỉ “không có con người - dự án vô ích- không có khách hàng - ngân hàng vô ích - không có tâm - tín - tài- tầm, Liên VietPostBank vô ích"! Cùng với việc chăm chút từng khách hàng, hiện đại hóa, nâng cao văn hóa doanh nghiệp, LienVietPostBank đặc biệt chú ý đến cơ cấu lại nhân sự mũi nhọn sản phẩm dịch vụ và công nghệ hiện đại, nên sẽ thuê nước ngoài hoặc tuyển một số vị trí là chuyên gia nước ngoài nhằm tạo đổi mới, đột phát triệt để.
"Khỏe để mơ và ... mơ thì không phải trả tiền"
Còn nhớ, vào chiều 4/10, trước thời điểm cổ phiếu LienVietPostBank lên sàn UPCoM, trên thị trường xuất hiện đồn đoán ông Nguyễn Đức Hưởng không chủ trì hội nghị tiếp xúc và trao đổi với nhà đầu tư quan trọng của LienVietPostBank vào chiều 2/10 vừa qua không phải ông Hưởng nhập viện cấp cứu mà vì lý do ông Hưởng sắp chuyển sang làm chủ tịch một ngân hàng khác.
Tuy nhiên, khẳng định qua điện thoại, ông Hưởng cho biết: "Thông tin đồn đoán này là không có thật!". Còn hiện tại, ông Hưởng chia sẻ: Đúng là "có thực mới vực được đạo", từ lâu tôi đã biết giá trị của sức khỏe với cuộc đời mỗi con người, thậm chí tôi đã từng đi giảng giải "sức khỏe là vàng, sức khỏe là tài sản quý nhất, có sức khỏe thì có nhiều điều ước, không có sức khỏe thì chỉ ước có một điều là có sức khỏe...", một bài học rút ra cho không chỉ riêng tôi, đó là khi có sức khỏe thì mình lại chủ quan phung phí và không có ý thức vun đắp xây đắp từng ngày từng giờ thì sự sụp đổ đến bất cứ lúc nào...
Qua một đợt ốm thập tử nhất sinh bởi một đợt đi công tác nước ngoài thử sức đi bằng đường bộ hơn 2.000 km và mấy chục chuyến bay, cộng với làm việc 3h sáng hàng ngày suốt một thời gian dài, những cuộc tiếp khách "cứ ăn uống thoải mái, tiếp khách nhiệt tình - có thuốc giải độc rồi", tôi đã bị trả giá rất đắt, virus sốt tràn dịch màng phổi, viêm phổi không rõ nguyên nhân, đau nhức triền miên đến từng sợi tóc (lúc đầu nhập viện bác sỹ đã chẩn đoán ung thư phổi), đã có lúc tôi thật sự chán chường.
Nhưng may mắn thật sự là tôi đã "ngộ" ra "tất cả đều là phù phiếm nếu không có sức khoẻ!". So với 2 tuần trước, được khỏe để trở về tâm sự với độc giả và các nhà đầu tư, những khách hàng - thượng đế của LienVietPostBank hôm nay cũng là giấc mơ đã thành hiện thực của tôi. "Khỏe để mơ và ... mơ thì không phải trả tiền", tôi sẽ giữ gìn vun đắp thành hiện thực những giấc mơ với nhà đầu tư, với khách hàng, toàn thể cán bộ nhân viên LienVietPostBank, với gia đình như chăm chút nâng niu sức khỏe của chính mình!
AH