Ngân hàng “lách” lãi suất cho vay

(Dân trí) - Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước công bố trần lãi suất cơ bản ở mức 18% áp dụng trên toàn hệ thống từ 19/5. Tuy nhiên, lãi suất cho vay nếu cộng thêm các khoản phụ phí thì doanh nghiệp đi vay hiện phải chịu mức không dưới 20%.

Mức lãi suất huy động hiện đang đạt “đỉnh” 15,6%, nhưng biểu lãi suất cho vay lại ít được ngân hàng nhắc tới. Không công bố rộng rãi với báo chí như biểu lãi suất huy động vốn nhưng trên thực tế, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang không dưới 20%.

Theo các chuyên gia thì đây là một cách “lách luật”, bởi cơ chế lãi suất mới quy định lãi suất cho vay của các ngân hàng ghi trên hợp đồng tín dụng không được vượt quá 18%/năm, nhưng mức quy định này không bao gồm các chi phí liên quan.

Do đó, các ngân hàng đã tách riêng một số khoản phí (phí thu xếp vốn, phí quản lý tín dụng, phí thẩm định hồ sơ…) ra, khi cộng lại thì tổng lãi suất vay không dưới 20%.

Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào cũng được vay, có ngân hàng hiện đã ngừng cho vay bất động sản, có ngân hàng lại chỉ ưu tiên khách hàng thân thiết, hoặc các hồ sơ cũ…

TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TPHCM cho rằng, mức trần lãi suất cho vay 18%/năm đang rất nặng đối với một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng không thể khác được.

“Trần lãi suất này sẽ là cơ sở cho các ngân hàng tính toán cho vay trên cơ sở tín nhiệm với các doanh nghiệp. Họ có thể cho huy động 14% và chỉ cho vay 15% với doanh nghiệp này nhưng lại có thể cho vay 18% với doanh nghiệp khác” - TS. Lịch nói.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cũng cho rằng, lãi suất cho vay cao sẽ khiến các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

“Họ biết làm gì ra nổi tiền để trả ngân hàng, kinh doanh gì cho hiệu quả, nhất là trong bối cảnh giá nhiều đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong khi giá bán ra, giá xuất khẩu đều không tăng tương ứng. Ngay doanh nghiệp lớn, tốt cũng không thể tính được hiệu quả nữa là các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn và yếu sức về vốn…”.

Nguyễn Hiền