Ngân hàng khỏe cũng lo

Sức khỏe các ngân hàng đang tốt lên khi một trong những nỗi lo thường trực nhất của các ngân hàng là thiếu thanh khoản đã được giải quyết.

Thanh khoản các ngân hàng tốt lên, đó là một điều đáng mừng khi các ngân hàng vừa trải qua một cơn bạo bệnh và di chứng nợ xấu vẫn còn tồn tại dai dẳng chưa dễ dứt. Tuy nhiên, khỏe thì mừng nhưng cũng nảy sinh những vần đề mới khi huy động tiền nhiều mà không có chỗ tiêu

 

Tuần qua, NHNN đã có văn bản gửi từng đơn vị NHTM giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2013. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD phù hợp với khả năng huy động vốn của các thành viên và định hướng cả năm tăng khoảng 12% cũng thành giới hạn chung cho hầu hết các ngân hàng thương mại thuộc nhóm tốt nhất. Một số đơn vị khác, được giao chỉ tiêu tối đa là 10%, thậm chí không có chỉ tiêu tăng trưởng. Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay không khoanh vùng theo 4 nhóm như trước, mà căn cứ theo tình hình "sức khỏe" của các nhà băng.

 

Điều này được cho là xuất phát ngay từ cách nhìn nhận, đánh giá sát của của cơ quan chủ quản với từng đơn vị trong hệ thống: sát sao và thực tế hơn.
 
Ngân hàng khỏe cũng lo

 

Việc giao chỉ tiêu lần này không ồn ã như các năm nhưng chắc chắn cũng không tránh khỏi việc một số thành viên được giao chỉ tiêu thấp hơn sẽ phàn nàn nhưng nhìn một cách toàn cục đây là một cách phân chia khá khoa học, khi lấy cơ sở chính là "sức khỏe" của từng đơn vị, tức khả năng thanh khoản tốt, nợ xấu thấp, khả năng quản trị của từng đơn vị làm tiêu chí chủ chốt.

 

Lấy "sức khỏe" làm tiêu chí số một được xem là bước đột phá của NHNN năm nay, nhưng nhìn rộng ra trong hệ thống ngân hàng thì nhiều nhà băng thương mại đã thực hiện từ khá lâu rồi. Trên thực tế, cách đây khoảng 1 năm khi phong trào giãm lãi suất cho vay bắt đầu được thực hiện nhiều NHTM đã nhập cuộc vào giảm lãi suất cho vay làm thị trường trở nên sôi động hơn. Tuy vậy, có một thực tế: nhiều ngân hàng đang dư tiền cho vay, nhưng lại rất thận trọng trong chuyện cho vay bởi điều này cũng có hai mặt.

 

Nếu như trước đây khi tín dụng đang tăng trưởng nóng, có những lúc tăng trưởng đến trên dưới 40% điều kiện cho vay khá dễ dãi, chỉ cần có sổ đỏ, sổ hồng, rồi tài sản thế chấp là được chấp nhận khiến cho tín dụng đẩy xuống cộng đồng DN nhanh nhiều. Nhưng khi thời thế khó khăn, nhiều đơn vị kinh doanh đổ bể không trả được nợ thì ngân hàng đương nhiên phải ôm một đống nợ xấu cao ngất.

 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi DN đã không còn tài sản, nhà xưởng để cầm cố, bởi đã phải cầm trước đó. Đến cả hàng tồn kho thế chấp cũng không được phía các nhà băng chấp thuận. Để được vay tiền, tiêu chí đầu tiên mà các ngân hàng đưa ra là DN phải "khỏe" nghĩa là các DN có thanh khoản tốt, có kế hoạch và phương án kinh doanh khả thi, vừa cầm cự được mà làm ăn vẫn có lãi thì không có lý do gì nhà băng không cho vay, thậm chí với lãi suất ưu đãi.

 

Lấy "sức khỏe" làm căn cứ để "kê đơn vay vốn ngân hàng" là việc chẳng sai, thậm chí rất hợp lý và dễ dãi. Tuy nhiên, trên thực tế thật oái oăm thay, trong thời buổi này không có nhiều DN "khỏe" để mà cho vay, mà DN nào khỏe thì lại không cần vay vốn nhiều.

 

Vì thế, việc các nhà băng đưa cái tiêu chí "khỏe" ra để xét cho DN vay vốn lúc này khác gì đánh đố người đi vay và đánh đố mình. Mà đương nhiên, khi DN không khỏe thì tội gì nhà băng người ta ôm vào để rồi cũng phải ốm theo?

 

Đó là sự thật vừa đáng mừng vừa đáng lo, bởi ngân hàng huy động đầu vào tăng, đầu ra lại bế tắc thì hiệu quả kinh doanh đi xuống. Ôm vốn nhiều, thanh khoản tốt nhưng lại không cho vay được khiến các ngân hàng đứng trước sức ép nhiều tiền nhưng lợi nhuận giảm.

 

Nhìn rộng ra cả nền kinh tế, khi tiền huy động về không cho vay được, nghĩa là đồng tiền không được đưa vào lưu thông, chết dí trong ngân quĩ, tín dụng thì đóng băng, hay tăng nhỏ giọt thì không phải DN mà ngay cả các nhà băng mà nền kinh tế quốc gia đang cho thấy những dấu hiệu nguy cơ đình trệ. Đó thực sự là những chỉ báo không thể xem thường.

 

Theo Tâm Thời

VEF