Ngân hàng gỡ thế bí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm tỷ trọng lên đến 97,9% trên tổng số 500.000 doanh nghiệp, hoạt động trên mọi vùng miền nhưng cũng gặp không ít khó khăn về vốn. Để gỡ thế bí cho doanh nghiệp SME, các ngân hàng hiện nay đã mở rộng cửa hơn với hàng loạt những chương trình ưu đãi về lãi suất, chính sách vay vốn.

Là động cơ phát triển nền kinh tế quốc gia, các doanh nghiệp SME không chỉ đóng góp 50% GDP mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn để phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn vay. Nguyên nhân xuất phát từ chính quy mô, uy tín và thương hiệu của loại hình doanh nghiệp này, “cửa” vay vốn cho các doanh nghiệp SME sẽ có phần hạn chế hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn vấp phải những hạn chế khác về trình độ quản lý, vốn, tài sản thế chấp, năng lực sản xuất kinh doanh….

Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều động thái hỗ trợ doanh nghiệp SME về tài chính, nâng cao năng lực công nghệ, mở rộng thị trường. Nổi bật trong những ngân hàng chú trọng cấp vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp SME, phải kể đến Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với nhiều ưu đãi về lãi suất, phí dịch vụ và ưu tiên giao dịch. Theo gói ưu đãi lãi suất áp dụng đến hết ngày 31/12/2016, các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn và trung hạn tại SeABank phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm trong 3 tháng đầu đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND và từ 3,5%/năm trong 12 tháng đầu với các khoản ngắn hạn bằng USD. Đồng thời, SeABank giảm lãi suất giảm tối đa 1%/năm so với biểu lãi suất thông thường tại SeABank đối với các khoản vay trung hạn bằng VND. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu SeABank áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ từ 7%/năm đối với VND và 2,8%/năm đối với vay USD.

Ngân hàng gỡ thế bí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - 1

Theo đại diện SeABank, hoạt động tín dụng với nhóm khách hàng SME tương đối ổn định và có tỷ lệ an toàn cao. Trong năm 2015, đối với phân khúc SME, việc triển khai các chính sách hấp dẫn về tín dụng, huy động, doanh thu phí dịch vụ đã giúp số lượng khách hàng doanh nghiệp của SeABank tăng trưởng 132% so với năm 2014 và 150% so với năm 2011. Về hoạt động tín dụng, dư nợ tín dụng tính đến 31/12/2015 của phân khúc SME tăng 116 % so với 2014, và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ của ngân hàng.

Về chiến lược của ngân hàng, đại diện SeABank chia sẻ thêm: “SeABank luôn xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là một phân khúc khách hàng quan trọng đối với sự tăng trưởng chiến lược dài hạn của ngân hàng. Những thành công đã đạt được trong phân khúc SME của năm 2015 là động lực để SeABank tiếp tục phát triển các sản phẩm dịch vụ với nhiều tiện ích và ưu đãi nhằm thu hút nhóm khách hàng này trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Chúng tôi kỳ vọng những sản phẩm này sẽ trở thành những giải pháp tài chính hữu hiệu giúp doanh nghiệp SME vượt qua khó khăn, phát triển ổn định và bền vững”.

Để hỗ trợ khách hàng SME một cách hiệu quả, SeABank lựa chọn giải pháp xây dựng quan hệ hợp tác bền vững với doanh nghiệp nhằm mục đích mang lại các giá trị gia tăng qua đó tối đa lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Các chuyên viên của SeABank đi đến từng khách hàng, trực tiếp hỗ trợ khách hàng hoàn thiện các hồ sơ thủ tục vay vốn, tư vấn cho doanh nghiệp sử dụng các công cụ của thị trường tài chính phù hợp với nhu cầu và đánh giá được độ rủi ro trong hoạt động của mình.

Theo các chuyên gia, việc nhiều ngân hàng cùng ưu đãi lãi suất cho vay trong thời điểm này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề bứt phá trong 6 tháng còn lại của năm 2016. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi cũng như ngân hàng hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của mình, ngân hàng và doanh nghiệp cần phát triển mối quan hệ bền chặt nhằm tạo ra được các lợi ích chung từ sự hợp tác bền vững.

PV