1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng đua thu gom USD

Cầu ngoại tệ có dấu hiệu tăng lên, lãi suất tiền gửi USD bị cố định, lãi suất cho vay USD được thả nổi, tỉ giá hối đoái ổn định… là những yếu tố để ngân hàng (NH) đua nhau thu gom USD.

“Lách luật” tiền gửi ngoại tệ

 

Ngày 4-7, chị P. (phường 1, quận Phú Nhuận - TPHCM) đến một NH tại TPHCM tìm hiểu về lãi suất tiền gửi USD. Nhân viên NH này cho biết: Theo quy định của NHNN, lãi suất cao nhất là 2%/năm. Tuy nhiên, với mức gửi tối thiểu từ 15.000 USD, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất thực tế là 5%/năm.

 

Còn với số tiền càng lớn so với mức gửi tối thiểu, kỳ hạn gửi 3 tháng, lãi suất thực tế trên 5%/năm. Sau đó, chị P. được nhân viên NH cung cấp các văn bản về giao dịch vàng, trong đó có hợp đồng mua vàng và hợp đồng bán vàng.

 

Ngân hàng đua thu gom USD - 1
Các ngân hàng đang mạnh tay mua vào USD.

 

Chị P. cho biết nhân viên NH hướng dẫn chị thực hiện việc mua vàng với giá trị tương đương 15.000 USD, sau đó  thực hiện động tác bán vàng (chỉ trên giấy tờ), số lãi thu được từ việc mua bán vàng chính là lãi suất khách hàng được hưởng, tính ra tương đương 5%/năm, cao hơn 3% so với trần lãi suất tiền gửi USD là 2%/năm.

 

“Như vậy, phần lãi suất cộng thêm đã được NH hợp thức hóa thông qua hợp đồng giao dịch vàng. Việc mua bán vàng thực chất là giao dịch ảo, doanh số giao dịch vàng của NH là không thật” - chị P. nói.

 

Lãi suất tiền gửi USD hiện từ 2-5%, lãi suất cho vay USD phổ biến từ 6-8%/năm. Doanh nghiệp thường muốn vay USD vì lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay VNĐ (hiện phổ biến trên 20%/năm). Do đầu ra đã có sẵn như vậy nên NH tăng lãi suất nhưng đụng rào cản 2%/năm, từ đó phải tìm mọi cách “lách” quy định lãi suất tiền gửi USD nhằm thu hút khách hàng gửi tiết kiệm.

 

Mua cao hơn giá niêm yết

 

Theo quy định, doanh nghiệp vay USD phải chứng minh được phương án trả nợ từ nguồn thu ngoại tệ hoặc phương án mua ngoại tệ của NH khác.

 

Mặt khác, từ ngày 1/7, các tập đoàn, tổng công ty  Nhà nước, các doanh  nghiệp có từ 50% vốn Nhà nước buộc phải bán ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu, dịch vụ… nên  thời gian gần đây, các NH cạnh tranh nhau thu mua USD.

 

NH Kiên Long mua ngoại tệ cao hơn giá niêm yết 20 đồng/USD. NH Đại Á (DaiABank) triển khai sản phẩm “Tiết kiệm/Tiền gửi chuyển đổi”. Các tổ chức, cá nhân bán USD sẽ được DaiABank thu vào cao hơn giá niêm yết với điều kiện bên bán gửi lại tiết kiệm VNĐ… Các NH lớn cũng liên tục điều chỉnh tỉ giá USD, thậm chí có NH thay đổi tỉ giá nhiều lần/ngày để phù hợp với cung - cầu USD tại từng thời điểm...

 

Trong khi đó, NHNN liên tục chào mua với giá cao hơn giá mua vào của các NH từ 50-80 đồng/USD. Từ tháng 4/2011 đến nay, NHNN đã thu mua hơn 3 tỉ USD, thậm chí có ngày, các NH thương mại đã bán cho NHNN 600 triệu USD.

 

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc NH Tiên Phong, nhận xét do các NH đã có đầu ra là NHNN, doanh nghiệp, cá nhân đi nước ngoài nên mức độ cạnh tranh thu mua USD đang khá quyết liệt.

 

Tuy nhiên, các NH rất ít khi “ôm” USD mà thường bán ngay sau khi thu mua được bởi nguồn cung USD có dấu hiệu tăng lên. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm VNĐ ít nhất 14%/năm (gần 0,04%/ngày), nếu NH giữ lại USD đồng nghĩa phần lãi suất VNĐ đã bốc hơi, chưa kể tỉ giá hối đoái có thể đi xuống bất cứ lúc nào.

 

 Phòng ngừa găm giữ USD

 

Để hạn chế tình trạng các NH có thể găm giữ USD khi nhu cầu ngoại tệ biến động, mới đây, NHNN đã công bố dự thảo thông tư quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài. Điều 4 của dự thảo thông tư giới hạn trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng không vượt quá ± 20%/vốn tự có.

Các chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 triệu USD trở xuống được áp dụng trạng thái ngoại tệ ± 5 triệu USD. Trong trường hợp đặc biệt, Thống đốc NHNN sẽ xem xét cho phép tổ chức tín dụng được duy trì trạng thái ngoại tệ ngoài giới hạn

 

Theo Thy Thơ

NLĐ