Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất

(Dân trí) - Sau động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cùng ngày 3/11 nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch cắt giảm lãi suất huy động và cho vay. Thị trường tiền tệ tái lập mặt bằng lãi suất mới cho DN vay vốn dễ dàng hơn.

“Đáy” lãi suất cho vay xuống 15%

Lãi suất cơ bản giảm xuống còn 12%/năm, trần lãi suất chỉ còn 18%, nhưng hành động giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các NHTM Nhà nước, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, đã giúp các ngân hàng có cơ sở để cắt giảm mạnh lãi suất huy động và cho vay.

Khảo sát hệ thống ngân hàng bước đầu cho thấy, lãi suất cho vay của các ngân hàng “được chỉ định” đã có bước giảm sâu, với mức đáy 15%/năm.

Cụ thể, kể từ ngày 4/11, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh lãi suất cho vay gồm cả nội và ngoại tệ. Trong đợt giảm lãi suất này, BIDV là ngân hàng thương mại có mức giảm sâu nhất so với mặt bằng lãi suất hiện nay.

Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ giảm 1,2%/năm, xuống các mức 15%/năm và 16%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm 2,1%/năm, xuống 16,8%/năm.

Lãi suất cho vay bằng USD tại ngân hàng này giảm xuống các mức: 5,5%/năm (kỳ hạn cho vay 2 tháng), 6%/năm (kỳ hạn 2 - 3 tháng) và 6,5% (kỳ hạn trên 3 - 6 tháng).

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng giảm lãi suất cho vay bằng VND với các đối tượng ưu tiên theo chính sách khách hàng của mình từ 15 - 16%/năm; đặc biệt cho vay hộ sản xuất ở địa bàn nông thôn là 15,5%/năm, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 15,9%/năm.

Nhanh nhạy không kém trong khối ngân hàng TMCP là Ngân hàng An Bình (ABBank), ngân hàng này cũng công bố giảm 1% lãi suất cho vay bằng VND, xuống còn mức 17 - 18%/năm, doanh nghiệp thân thiết có thể hưởng mức 16 - 16,5%.

Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) thậm chí có mức hạ lãi suất cho vay tương đương “anh cả” Agribank, với mức ưu đãi thấp nhất xuống 15,5% (giảm 1,5% so với trước đây).

Bên cạnh cắt giảm sâu lãi suất cho vay, kể từ ngày 5/11, BIDV cũng cắt giảm lãi suất huy động với VND và USD. Theo đó, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng giảm 3,5%, từ 15%/năm xuống 11,5%/năm; từ trên 1 - 9 tháng giảm 1,5%, xuống còn 13,5%/năm; trên 9 tháng giảm 3,5%, còn 12,5%. Lãi suất huy động USD cũng giảm trung bình 0,5%, kỳ hạn 3 tháng trở lên còn 2,5%/năm.

Lãi suất huy động của LienVietBank cũng được điều chỉnh giảm xuống 1%/năm tương ứng cho tất cả các kỳ hạn.

Trong tuần qua, các thành viên Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã nhóm họp và đi đến thống nhất sẽ nắn dần đường cong lãi suất, khắc phục những bất hợp lý ở các kỳ hạn ngắn và cực ngắn, khuyến khích tiền gửi với kỳ hạn dài.

Tuy nhiên, theo ý kiến của số đông, trong điều kiện lạm phát đang có xu hướng giảm thì “đỉnh” của đường cong lãi suất trong năm 2008 nên dừng ở thời hạn 9 tháng; còn thời hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất huy động nên xác định cho phù hợp với dự báo lạm phát năm 2009.

Tập trung ưu tiên cho khối DNNVV

Lần đầu tiên trong vòng 18 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước âm 0,19%; đằng sau giảm phát là nỗi lo nguy cơ thiểu phát và nguy cơ suy thoái.

Ảnh bởi cuộc khủng hoảng đang lan rộng trên toàn thế giới, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, nhất là xuất khẩu tiêu dùng ở mặt hàng cao cấp như Mỹ và Châu Âu; khả năng giải ngân của dòng vốn FDI bị chậm lại.

Hiện tại, hiện tượng trì trệ đình đốn đã xảy ra trong một số lĩnh vực như: phôi sắt, xi măng tồn kho, giá cà phê giảm; dẫn tới nguy cơ thua lỗ, thậm chí là phá sản của một số doanh nghiệp.

Do đó, với hành động được đánh giá là kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, nếu như trong đợt điều chỉnh lãi suất cho vay trước đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nằm ở thứ tự ưu tiên thứ hai, thì nay, các ngân hàng đã đặt nhóm này vào vị trí ưu tiên thứ nhất.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV dự báo: "Từ nay đến cuối năm, lãi suất cơ bản sẽ còn giảm tiếp, điều quan trọng bây giờ là cứu doanh nghiệp, với mức vốn vay doanh nghiệp tiếp cận được".

Mục đích giảm mạnh lãi suất cho vay của ngân hàng là nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết họ rất khó để tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về điều này, ông Hà bày tỏ: "Không nên nghe dư luận quá nhiều về việc không tiếp cận được nguồn vốn. Vốn khả dụng của các ngân hàng đang có tính thanh khoản cao và đang tốt dần, ngân hàng sẽ phải giải quyết bài toán cho vay, chứ để ứ đọng thì ngân hàng lỗ".

Ông Hà lấy ví dụ từ thực tế ngân hàng mình: Tăng trưởng tín dụng của BIDV trong tháng 10 đạt mức 2,4% - mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay - "chứng tỏ tiếp cận vốn không trở ngại, ngoài ra tiếp cận vốn còn được biểu hiện qua đường dây nóng".

Một số ngân hàng cho hay: Trước thực trạng của kinh tế Việt Nam hiện nay và chỉ số CPI cả quý IV sẽ có mức tăng dưới 0,5%, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể còn nới lỏng chính sách tiền tệ, tiếp tục giảm lãi suất cơ bản, là cơ hội để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Nguyễn Hiền