1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng dồn dập giảm lãi suất huy động

(Dân trí) - Trong khi lãi suất cơ bản VND tháng 10 vẫn là một ẩn số, thì các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Đây được xem là động thái tốt trong việc tạo đà để hạ lãi suất cho vay, giảm áp lực đầu ra cho nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất giảm mạnh

Từ những ngày đầu tháng 9, một vài ngân hàng đã niêm yết biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm, nhưng phải đến những ngày cuối tháng, thị trường lãi suất mới thật sự nhộn nhịp. Tính chung trong nhóm vừa cắt giảm, lãi suất huy động bằng VND xuống còn mức trên 16 - 18%/năm, lãi suất USD dưới mức 6%/năm.

Điển hình: Chỉ trong 1 tuần, Eximbank đã 2 lần giảm lãi suất huy động, mức giảm đầu tuần từ 0,4 - 2,34%/năm ở tất cả các kỳ hạn và đến ngày 24/9, lãi suất huy động kỳ hạn của ngân hàng này 1 tuần còn 15,504%/năm, 1 tháng 17,004%/năm, 6 tháng còn 15,996%/năm, 9 tháng 15,504%/năm và 12 tháng còn 14,7%/năm.

Vietcombank từ mức huy động trên 17% giảm xuống còn 16,8%/năm (kỳ hạn 12 tháng), 12,84%/năm (kỳ hạn 18 tháng) và 12,6%/năm (kỳ hạn 24 tháng). ACB cũng áp dụng lãi suất mới, mức giảm từ 0,2 - 0,35%/năm ở hầu hết các kỳ hạn, kỳ hạn 12 tháng từ 17,14%/năm còn 16,79%/năm.

Cũng từ ngày 24/9, SCB thông báo tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động VND tất cả các kỳ hạn từ 1 tuần cho đến 9 tháng, kể cả lãi suất không kỳ hạn. Theo đó, lãi suất không kỳ hạn áp dụng tại SCB là 4,8%/năm (mức cũ 6%); lãi suất kỳ hạn 1, 2, 3 tuần là 16,8%/năm (cũ 17,4%), 17%/năm (cũ 17,65%), 17,2%/năm (cũ 17,8%); lãi suất kỳ hạn 1 - 9 tháng cũng được giảm còn 18,1% - 18,45%/năm (cũ từ 18,2% - 18,5%).

Tại VietA Bank, giảm mạnh nhất ở kỳ hạn 1 tuần, từ 17,2%/năm xuống 15,8%/năm; 2 và 3 tuần giảm tương ứng 1,4%/năm và 1,3%/năm; 1 và 2 tháng giảm 0,2%/năm. Ngân hàng cũng giảm bớt việc cộng thêm lãi suất thưởng, chỉ còn áp dụng cho những khách hàng gửi từ 100 triệu đồng trở lên thay vì gửi 50 triệu đồng, do đó mức thưởng chỉ còn 0,1 - 0,2%/năm, trước tối đa là 0,5%/năm.

Bên cạnh việc giảm lãi suất VND, các ngân hàng cũng dồn dập hạ lãi suất huy động USD, lãi suất vàng. VietA Bank có mức giảm lãi suất huy động USD 0,4% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng và mức giảm trên 12 tháng là 1,3%.

OCB giảm huy động USD từ 0,1 - 0,4% cho các kỳ hạn dưới 13 tháng. Trong khi đó, lãi suất huy động vàng của DongA Bank giảm 0,24 - 0,6%; VietA Bank giảm 0,2 - 0,6%/năm các kỳ hạn…

Giới chuyên gia tài chính, tiền tệ cho rằng: Việc các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động hiện nay sẽ tạo tiền đề cho Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất cơ bản trong tháng 10.

Bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng gần đây đã được kiềm chế ở mức tối đa, CPI tháng 9 cũng chỉ tăng có 0,18%, nếu mặt bằng lãi suất huy động vẫn giữ mức cao, thì khó có một đợt giảm lãi suất cho vay trên diện rộng. Lãi suất cho vay cao, cũng sẽ hạn chế nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và vay tiêu dùng.

Trong hai tháng gần đây, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thuộc loại thấp nhất kể từ đầu năm, tháng 7 chỉ tăng có 0,7% và tháng 8 tăng 0,79%.

Đã đến lúc giảm lãi suất cơ bản VND

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: “Lãi suất cơ bản 14%, nâng trần lãi suất huy động, cho vay tới 21% là một biện pháp chữa lửa, chữa cháy để “khóa vòi” tiền bạc vào nền kinh tế, nhưng khóa tới mức nào đó, chứ khóa lâu quá thì người ta sẽ kiệt sức mà chết”.

Sở dĩ ông Bùi Kiến Thành dùng từ “khóa vòi tiền bạc” bởi nền kinh tế có quá nhiều tiền mặt lưu hành, là một trong những nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tăng cao. Nhưng biện pháp này không thể kéo dài vì không thể nào các công ty xí nghiệp hoạt động lâu dài, bình ổn với một mức lãi suất cao như vậy.

Ông Thành nhấn mạnh: “Đến một lúc nào đó phải xem thử thế nào là đủ, để thả vòi ra cho người ta có nước uống, đây là việc làm rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong những ngày tới. Một “cơn bão” không thể bão mãi, đứng trước một cơn bão về vấn đề lạm phát, người ta cần phải có biện pháp để phòng chống lũ lụt.

Nay cơn bão đi qua rồi, thì không thể áp dụng mãi các biện pháp phòng chống đó, lãi suất cơ bản 14%/năm như hiện nay không phải là mức lãi suất để kinh tế có thể phát triển được”.

Theo kiến nghị của vị chuyên gia này, điều quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là phải xác định được tín dụng nào cần thiết cho nền kinh tế phát triển, tín dụng nào đẩy lạm phát lên. Khi đã xác định rõ hai loại tín dụng này, chúng ta mới có thể cắt bớt tín dụng đẩy lạm phát và ưu ái tín dụng cho kinh tế phát triển tốt.

Một điều tra từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy: Mặt bằng lãi suất phổ biến của các ngân hàng thương mại đang ở mức khá cao, tới 21%.

Việc tiếp cận với các nguồn vốn để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh đã trở thành khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ. Kết quả điều tra cho thấy hơn 73% doanh nghiệp đề cập đến khó khăn này, trong khi 74,47% ngân hàng là kênh huy động chủ yếu của doanh nghiệp, các quỹ đầu tư là 14,89%.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm