Ngân hàng đã có tiền - cơ hội cho bất động sản?
(Dân trí) - Câu chuyện về vốn vay, “bong bóng” bất động sản (BĐS) đáng lẽ phải được can thiệp ngay từ đầu. Nhưng đến bây giờ nếu tiếp tục thắt chặt tín dụng thì doanh nghiệp sẽ chết. Hiện tiền đã có trong ngân hàng nhưng liệu có trở thành cơ hội cho BĐS hay không?
Xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí.
Điều mà thị trường bất động sản (BĐS) mong muốn trong năm nay là nguồn tín dụng sẽ được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, với chính sách hiện nay, doanh nghiệp không mấy lạc quan về điều này. Ông nghĩ sao?
Sau đợt phát hành thành công trái phiếu Chính phủ, chúng ta đã thu hút được trên 11.000 tỷ đồng, với lãi suất 11%/năm và dài kỳ từ 2-5 năm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành hàng loạt tín phiếu với tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng để thu tiền về, với mức lãi suất cao hơn trái phiếu Chính phủ dao động khoảng 1,5%/năm.
Sao lại không biết đổ vào đâu trong khi rất doanh nghiệp đang cần?
Ngân hàng sợ rủi ro nợ xấu nên rất thận trọng khi quyết định cho vay. Theo nhận định của nước ngoài, nếu tính đúng, tính đủ, nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam không chỉ là con số hơn 3% như công bố mà nằm trong khoảng 12-15%.
Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do cách tính khác nhau. Cụ thể, theo tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn ngân hàng có 100 đồng, cho vay 10 đồng nhưng không thu hồi được thì toàn bộ 100 đồng được xem là nợ xấu. Nhưng với nhiều ngân hàng thương mại trong nước thì chỉ xem 10 đồng chưa thu hồi được là nợ xấu.
Theo ông, giá BĐS liệu có giảm tiếp?
Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, giá BĐS sẽ hạ tiếp do áp lực trả nợ ngân hàng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực thẳm nên họ buộc phải hạ giá sản phẩm. Vấn đề là giảm bao nhiêu thì còn tùy vào từng khu vực cũng như những chi phí mà họ đã bỏ ra, trong đó có cả những chi phí không chính thức.
Có một thực tế là nhà ở Hà Nội có giá cao nhất cả nước do tâm lý muốn có nhà ở thủ đô của người dân địa phương khác rất lớn. Đây cũng là một nguồn cầu tiềm năng khiến chủ đầu tư có tâm lý dè dặt khi giảm giá.
Vậy chẳng lẽ nhà nước đứng ngoài cuộc nhìn hàng loạt các doanh nghiệp chết vì thiếu vốn, bởi ngay cả giảm giá thì cũng không phải dự án nào cũng bán được hàng?
Câu chuyện về vốn vay, “bong bóng” BĐS đáng lẽ phải được can thiệp ngay từ đầu. Nhưng đến bây giờ nếu tiếp tục thắt chặt tín dụng thì doanh nghiệp sẽ chết do đã để vết trượt dài, đẩy giá lên quá cao.
Giải pháp cho vấn đề này chính là nhà nước nên tính đến biện pháp khoanh nợ xấu lại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn, bởi nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng chết, BĐS là xương sống của nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, theo ông cần lưu ý điều gì?
Vấn đề mấu chốt cần phải xử lý ngay là giá và cơ cấu thị trường BĐS. Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá nhà hiện nay vẫn còn rất cao và vượt quá xa năng lực tài chính của số đông người dân.
Còn một khoảng trống khá lớn về thị trường các căn hộ có diện tích từ 30-70m2 hoặc đất nền có giá dưới 10 triệu đồng/m2 tại Thành phố Hồ Chí Minh và dưới 20 triệu đồng/m2 tại Hà Nội ở các vị trí hợp lý.
Khi những vấn đề này được giải quyết, cùng với các điều kiện kinh tế vĩ mô tốt lên thì thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng ấm lại và mở ra nhiều cơ hội, không chỉ cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản, mà còn cơ hội tiếp cận nhà ở giá phải chăng đối với người tiêu dùng.
Ông tiên lượng thế nào về tương lai gần của thị trường BĐS?
Người ta vẫn nói: "Điều đáng sợ nhất không phải là lúc đến cuối đường hầm mà là chúng ta không biết khi nào thì đến cuối đường hầm." Vì thế, nếu thị trường bất động sản đã ở cuối đường hầm thì phía bên kia sẽ là ánh sáng. Và chắc chắn sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi đường hầm ấy.
Lan Hương