1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng cổ phần chạy đua hội nhập

Để tìm lợi thế cạnh tranh, nhất là trong giai đoạn Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, các ngân hàng thương mại cổ phần đang bước vào "cuộc chạy đua" đầu tư để giành giật thị phần.

Ông Nguyễn Gia Định, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nói: “Chưa bao giờ trên thị trường Việt Nam các ngân hàng thương mại phải “chạy” gấp rút như hiện nay. Chúng tôi phải vừa chạy đua để chiếm thị phần nội địa, vừa phải nâng cao năng lực để chuẩn bị cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập WTO”.

 

Để tìm lợi thế cạnh tranh, trong nhiều năm qua hầu hết các ngân hàng TMCP đã đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chất, mạng lưới, tiền vốn, con người.

 

Từ 1/4/2007, ngân hàng nước ngoài được lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam

 

Theo thỏa thuận ký kết với Mỹ đã được công bố,1/4/2007 các ngân hàng Mỹ và nước ngoài sẽ được thiết lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài và sẽ được đối xử như ngân hàng trong nước. Riêng các ngân hàng của Mỹ sẽ được phép nhận tiền ký quỹ không hạn chế bằng tiền VNĐ và được phát hành thẻ tín dụng. Có nghĩa là sân chơi ngân hàng sắp có thêm nhiều đối thủ nặng ký tham gia, vì vậy cuộc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cho biết: “Trong mấy năm qua, ngân hàng đã gấp rút xây dựng hệ thống bán lẻ khắp cả nước. Đến nay Sacombank đã có 150 hội sở, chi nhánh và phòng giao dịch (gọi chung là điểm giao dịch). Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ nâng con số này lên 250 và có thể sẽ phát triển ra nước ngoài”.

 

Do các ngân hàng này chạy đua mở rộng hệ thống nên tại các đô thị lớn, mật độ điểm giao dịch ngày càng tăng cao. Chỉ riêng khu vực TPHCM đã có khoảng 580 điểm giao dịch của các ngân hàng.

 

Để nâng cao khả năng cạnh tranh khi hội nhập, các ngân hàng đã tăng nguồn vốn chủ sở hữu lên gấp 2 - 3 lần so với năm 2005. Phương thức phổ biến nhất là tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông bằng mệnh giá. Việc làm này vừa giúp ngân hàng tăng nguồn vốn, vừa đem lại lợi ích lớn cho cổ đông cũ nhờ hưởng chênh lệch giá cổ phiếu.

 

Một số ngân hàng còn dành một phần vốn bán cho cổ đông chiến lược (chủ yếu là các ngân hàng nước ngoài) để nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm quản trị lâu năm của đối tác. Qua việc mua bán sẽ thu về nguồn vốn thặng dư lớn cho ngân hàng.

 

Đến nay nhiều ngân hàng như: Sacombank, Techcombank, ACB... đã bán 20 - 30% vốn điều lệ cho nước ngoài. Hiện các ngân hàng khác như: Eximbank và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông đang đàm phán với đối tác nước ngoài để bán 10 - 20% cổ phần.

 

Vì muốn giảm áp lực cổ tức, nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu chuyển đổi. Trái phiếu chuyển đổi được coi là nguồn vốn cấp 2, trước mắt chủ sở hữu chỉ được hưởng lãi cố định (khoảng 8%/năm), sau này sẽ đổi thành cổ phiếu cho cổ đông theo cam kết trước khi phát hành.

 

Những đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất là Ngân hàng ACB với tổng giá trị 1.650 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tính cả vốn điều lệ và vốn trái phiếu hiện tại của ACB đã lên đến 2.750 tỷ đồng, còn SCB đã lên đến 1.600 tỷ đồng.

 

Nguồn vốn tăng cao, các ngân hàng có điều kiện đầu tư văn phòng, công nghệ... để tăng năng lực quản lý kinh doanh và đáp ứng dịch vụ nhanh cho khách hàng.

 

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết nếu tính từ trước tới nay riêng đầu tư cho thiết bị, công nghệ đã tốn khoảng 10 triệu USD. Nhờ đầu tư đồng bộ nên đến nay ACB được coi là ngân hàng thương mại cổ phần có hệ thống quản lý hiện đại nhất Việt Nam. Tất cả 72 điểm giao dịch của ngân hàng trên cả nước đã kết nối trực tuyến với hội sở, khách hàng nhận thông tin số dư tài khoản qua điện thoại di động...

 

So với các nước phát triển thiết bị, công nghệ của ngân hàng Việt Nam còn lạc hậu. Biết rõ điều đó nên các ngân hàng đã và đang tăng tốc đầu tư. Những đơn vị đã đầu tư thì nâng cấp hoàn thiện, còn những đơn vị chưa thì bắt đầu triển khai. Ngân hàng Phương Đông mới đây đã ký hợp đồng với một tập đoàn tư vấn của New Zealand để tư vấn đầu tư hiện đại hóa ngân hàng. Dự kiến, vốn đầu tư này của Phương Đông lên đến 5 triệu USD.

 

Nhờ công nghệ phát triển nên nhiều ngân hàng đã phát triển mạnh các loại hình dịch vụ như rút tiền, thanh toán, chuyển khoản qua máy ATM, thông báo số dư tài khoản qua điện thoại, chuyển tiền điện tử... Nhờ đó ngân hàng thu hút ngày càng đông khách hàng đến giao dịch.

 

Theo Trần Phú Minh

Báo Người Lao Động