1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngân hàng 2016: Lo cạnh tranh, sức ép tăng vốn ngày càng “nóng”

(Dân trí) - Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, thị trường chứng kiến việc nhiều ngân hàng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng. Và điều đặc biệt, không chỉ các ngân hàng nhỏ, ngay cả những “ông lớn” cũng đã nhập cuộc…

Dồn dập tăng vốn

Tại đại hội cổ đông thường niêm năm 2016 của Vietcombank, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cổ đông là phương án tăng vốn của ngân hàng này. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, ngân hàng dự kiến vốn điều lệ sẽ nâng từ mức 26.650 tỷ đồng hiện tại lên gần 40 nghìn tỷ đồng trong năm nay.

Để tăng vốn điều lệ, Vietcombank thực hiện 2 bước: tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho các cổ đông hiện hữu, số vốn điều lệ tăng thêm là 9.327 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10%.

Sau khi tăng vốn lên gần 40 nghìn tỷ, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank sẽ giảm từ 77% xuống còn 70%, cổ đông chiến lược nước ngoài (Mizuho Bank) sẽ giảm từ 15% xuống còn hơn 13%.

Theo tài liệu phục vụ đại hội cổ đông thường niên sắp tới của Ngân hàng TMCP Quân đội, ngân hàng này dự kiến đảm bảo tỷ lệ cổ tức 10% cho cổ đông cho năm tài chính 2015.

Tuy nhiên, ngân hàng trả 5% bằng tiền mặt và trả thêm 5% bằng cổ phiếu trong năm nay. Thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 815 tỷ đồng. Vốn điều lệ của MB cũng sẽ tăng thêm gần 312 tỷ đồng nữa nhờ giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào MB đã hoàn tất ngày 5/4. Theo kế hoạch, vốn điều lệ của MB sẽ gia tăng 1.127 tỷ đồng.


Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, thị trường chứng kiến việc nhiều ngân hàng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng.

Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, thị trường chứng kiến việc nhiều ngân hàng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng.

HĐQT SHB cũng vừa trình cổ đông xem xét phương án tăng vốn điều lệ lên 11.197 tỷ đồng (bao gồm vốn điều lệ hiện tại : 9.485,9 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm từ việc chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu: 711 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng thêm từ việc sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex Viettel: 1.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, SHB có kế hoạch thành lập Công ty tài chính TNHH MTV Tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho hay: Hệ số an toàn vốn hiện tại của SHB là 11,4%, cao hơn mức quy định tối thiếu 9%.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 32,4%, nếu điều chỉnh Thông tư 36 thì tỷ lệ của SHB vẫn đảm bảo tỷ lệ của NHNN và chủ trương của SHB năm 2016 là giảm dần tín dụng trung dài hạn và tăng tín dụng ngắn hạn.

Theo dự kiến trong năm 2016, OCB cũng sẽ tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng sau khi hoàn tất quá trình tăng vốn năm 2015 thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu là 500 tỷ đồng.

Tương tự, ACB cũng dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2015 với tỷ lệ 10%. Tổng số vốn tăng thêm là 896 tỷ đồng, tăng từ mức vốn hiện tại 9.377 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng.

HĐQT VPBank cũng vừa đề xuất với cổ đông là không chia cổ tức bằng tiền mà chỉ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07%. Theo VPBank, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp VPBank tăng vốn điều lệ, qua đó cải thiện các chỉ số an toàn vốn theo quy định của NHNN.

Chạy đua với Basel II

Theo lý giải của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, tăng vốn điều lệ nhằm tăng năng lực cạnh tranh là xu hướng chung của các ngân hàng TMCP của Việt Nam năm 2016. Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Với quy định hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) 9% thì Vietcombank đến thời điểm này cũng đang ở 9%, và nếu vốn không tăng thì tỷ lệ này giảm rất nhanh. Cùng với đó, năm nay, Ngân hàng Nhà nước áp dụng Basel II với 10 tổ chức tín dụng để làm thí điểm, thì hệ số CAR sẽ còn giảm nhanh hơn.

“Riêng với Vietcombank, hệ số CAR sẽ giảm 2%, xuống mức 7%, tức là vốn tự có/tài sản tự có chỉ đạt mức đó. Như vậy, so với định mức tối thiểu chúng ta cũng không đạt được. Vì vậy, HĐQT mới trình ra cổ đông kế hoạch tăng vốn trong năm nay”, ông Thành cho biết.

VietinBank cũng đang chịu áp lực lớn phải gia tăng nguồn vốn sớm khi Basel II được áp dụng. Hệ số CAR của VietinBank tính đến cuối năm 2015 là 10,3%. Trong khi đó, mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%. Nếu Basel II được áp dụng, hệ số CAR của VietinBank có thể giảm 1%.

Hệ số CAR của BIDV cũng đang ở mức tối thiểu 9%. Với hệ số CAR như hiện nay, BIDV sẽ phải đẩy nhanh việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu.

Từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB) chính thức thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.

Việc áp dụng Basel II đối với 10 ngân hàng lớn sẽ khiến các ngân hàng này phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng cho vay và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Cùng với đó, ảnh hưởng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với ngân hàng Việt Nam trong việc áp dụng Basel II cũng tăng lên.

Đến năm 2018, cả 10 ngân hàng trên sẽ hoàn thành việc thí điểm này, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng thương mại khác trong nước.

Có thể thấy rằng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết do các ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, ứng phó biến động thị trường.

Nguyễn Hiền

Ngân hàng 2016: Lo cạnh tranh, sức ép tăng vốn ngày càng “nóng” - 2