"Ngấm đòn" tỷ giá, sản xuất suy giảm lần đầu trong 2 năm
(Dân trí) - Lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua, chỉ số PMI ngành sản xuất rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất đang suy giảm.
Nikkei vừa công bố báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2015. Theo đó, chỉ số PMI tháng 9 của Việt Nam tiếp tục giảm từ 51,3 điểm trong tháng 8 xuống còn 49,5 điểm. Mức điểm dưới 50 cho thấy sản xuất suy giảm so với tháng trước.
Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua chỉ số PMI rơi xuống dưới 50 điểm.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là do điều kiện thị trường xấu khiến các đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua, trong đó đáng kể nhất là các đơn hàng xuất khẩu.
Khảo sát của Nikkei cho hay, nhu cầu khách hàng sụt giảm, đặc biệt từ các nước khác trong khu vực khiến cho số lượng đơn đặt giảm mới giảm theo. Số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm đã góp phần làm giảm nhẹ sản lượng sản xuất. Đây là lần đầu tiên trong hai năm qua sản lượng sản xuất bị sụt giảm.
Chuyên gia Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng: "Đây là mức giảm liên tiếp trong 4 tháng qua, cho thấy các nhà xuất khẩu của chúng ta đã phải chật vật như thế nào để có thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất khác ở các nước khi đồng tiền của họ đã cạnh tranh hơn so với chúng ta".
Theo ông Tuấn, so với đầu năm thì việc điều chỉnh tỷ giá khoảng 5% có thể giúp nhà sản xuất Việt Nam có thể hạ giá bán đôi chút nhưng nếu so với các nước khác, chẳng hạn như Thái Lan thì với mức giảm giá này hàng sản xuất của Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh được.
“Hàng Việt có thể giảm tối đa còn 95% so với đầu năm nhưng những nhà xuất khẩu Thái Lan có thể giảm giá bán của họ còn 91% thôi. So với nhiều nước khác - đặc biệt là những nước cũng có nền sản xuất tương đồng và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam - chúng ta đang gặp bất lợi rất lớn về khả năng cạnh tranh với những nhà xuất khẩu đến từ những nước đó”, ông Tuấn đánh giá.
Ông Tuấn cũng cho rằng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn đắt tương đối so với hàng hóa nhiều nước khác. Trong khi đó, khả năng giảm giá để giữ thị phần của doanh nghiệp trong nước rất hạn chế do năng suất sản xuất thấp và bất lợi tỷ giá.
Phương Dung