Nga sẽ thả nổi đồng rúp vào cuối năm
(Dân trí) - Trong thông báo mới phát đi của Ngân hàng Trung ương Nga (BoR), Nga sẽ tiến tới thả nổi đồng nội tệ vào cuối năm nay bẳng biện pháp hạn chế ca thiệp của Bỏ vào thị trường ngoại hối.
Thời gian vừa quan, dù có những biến động mạnh xung quanh biện pháp trừng phạt của phương Tây nhưng Bỏ đã nới rộng biên độ dao động của đồng rúp trong giao dịch tự do và sẽ không can thiệp để giảm sự biến động trong biên độ này.
Trước đó, ngân hàng cũng đã giảm lượng tiền dùng để can thiệp vào thị trường từ 1 tỷ USD xuống 350 triệu USD.
Theo BoR, việc thực hiện những điều chỉnh như vậy là nằm trong quá trình "chuyển sang cơ chế tỷ giá hướng đến một mục tiêu về lạm phát," điều sẽ đòi hỏi phải từ bỏ "các biện pháp quản lý tỷ giá." BoR có kế hoạch hoàn tất quá trình chuyển đổi sang cơ chế tỷ giá thả nổi vào cuối năm nay.
Mục tiêu thả nổi đồng ruble của BoR đang gây nhiều tranh cãi khi đồng tiền này đã giảm giá 12% so với đồng USD trong năm qua mà nguyên nhân theo giới phân tích là do sự giảm sút chung của nền kinh tế và tình trạng rút vốn của các nhà đầu tư phương Tây, trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nguyên nhân khiến đồng ruble rơi xuống các mức thấp kỷ lục so với đồng USD và euro là việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào thị trường tài chính – ngân hàng và các công ty lớn của Nga.
Chỉ riêng trong tháng Ba vừa qua, BoR đã phải chi 22 tỷ USD để bảo vệ đồng nội tệ. Đồng ruble sau đó đã ổn định trở lại và BoR giảm dần sự can thiệp vào thị trường và không can thiệp trong tháng Bảy vừa qua.
Tuy nhiên, thị trường lại mất ổn định vào cuối tháng Bảy, khi phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt vào các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Nga, nước đáp trả bằng lệnh cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, để ngăn chặn tình trạng rút vốn, hỗ trợ đồng ruble và hạn chế đà tăng giá cả, BoR đã từng bước nâng lãi suất kể từ tháng Ba năm nay và lần tăng gần đây nhất là vào cuối tháng Bảy, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, lên 8%.
Nhật Minh