Nga cung cấp máy bay cho Việt Nam
Nga dành ưu tiên đầu tư vào Việt Nam 17 dự án, trong đó có dự án nhiều triển vọng như cung cấp máy bay của Nga cho Việt Nam, tổ chức lắp ráp ôtô của Nga tại Việt Nam, cũng như tổ chức sản xuất đầu tàu ở Việt Nam...
Đây là nội dung được thông báo trong cuộc họp báo sau hội đàm trưa nay tại Hà Nội 6/4 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng LB Nga Dmitri Medvedev. Nói với báo giới, Thủ tướng Medvedev cho hay "không khí nồng hậu của cuộc hội đàm chứng tỏ mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam đã phát triển dưới tinh thần đối tác chiến lược toàn diện".
"Chúng tôi đánh gia cao quan hệ chính trị tốt đẹp và tin cậy giữa hai nước, sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước và cùng nhau góp phần chung sức xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Nga cung cấp máy bay cho Việt Nam
TheoThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đánh giá những kết quả và tồn tại trong các lĩnh vực hợp tác trụ cột như kinh tế, đầu tư, thương mại, dầu khí, điện hạt nhân và kỹ thuật quân sự, hai bên lưu ý việc kim ngạch thương mại song phương có phần giảm sút.
Để cải thiện tình hình, hai Thủ tướng nhất trí giao các bộ ngành, doanh nghiệp hai nước nhanh chóng tìm các biện pháp phù hợp, trong đó có việc đẩy nhanh ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu trong nửa đầu năm 2015, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên 10 tỷ USD năm 2020.
Nga mua 49% cổ phần công ty hóa dầu Bình Sơn
Trong 8 văn kiện được ký kết sau cuộc hội đàm của Thủ tướng Việt Nam và LB Nga có thỏa thuận khung về việc Gazprom Neft mua 49% cổ phần công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác và thăm dò dầu khí giữa tập đoàn dầu khí Việt Nam và Gazprom Neft. |
Thủ tướng Medvedev cũng cho biết, nếu nhìn tổng thể 5 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 20%/năm, phân nửa là từ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nhưng riêng năm 2014 có "giảm sút một chút nhưng chỉ là tạm thời". Hiện hai bên đã bàn các biện pháp để vượt qua giai đoạn này, đưa kim ngạch thương mại đạt mức 10 tỷ USD như lãnh đạo hai nước đã thống nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hai bên đánh giá cao việc các bộ ngành cơ quan hai nước đang tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, điện hạt nhân, công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp và các lĩnh vực khác trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới khó khăn và tác động trực tiếp đến mỗi nước.
Về phần mình, Thủ tướng Nga cho biết thêm, trong 17 dự án ưu tiên đầu tư trong năm nay, có những dự án có triển vọng nhiều như cung cấp máy bay của Nga cho Việt Nam, tổ chức lắp ráp ôtô của Nga tại Việt Nam, cũng như tổ chức sản xuất đầu tàu ở Việt Nam...
Triển khai dự án dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ bảo đảm vốn triển khai các dự án năng lượng, bao gồm các dự án dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga với mục đích tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và mở rộng hợp tác sang lĩnh vực chế biến và lọc hóa dầu. Thủ tướng Nga khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công ty dầu khí hai nước hoạt động trên lãnh thổ của nhau.
Việt Nam và Nga cũng khẳng định thúc đẩy triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo phương châm đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả kinh tế, xã hội cao nhất, trong đó tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư, xây dựng. Cụ thể, hai nhà lãnh đạo nhận thấy cần thiết sớm ký kết thỏa thuận khung tổng thể để triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Về hợp tác quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh hai bên đánh giá cao quan hệ quốc phòng an ninh giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, đào tạo quân nhân, khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ hiệu quả để đưa hợp tác quốc phòng an ninh lên bước phát triển mới.
Tạo điều kiện cho công ty dầu khí Nga hoạt động ở vùng biển Việt Nam
Đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam cho biết, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và nhất trí cho rằng các tranh chấp biên giới lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á - Thái Bình Dương cần được các bên liên quan giải quyết tực tiếp chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982 nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.
Nga và Việt Nam ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông COC.
"Tôi và ngài Thủ tướng nhất trí tiếp tục duy trì và mở rộng các dự án hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và tại thềm lục địa của Việt Nam, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, an toàn cho các công ty dầu khí Nga hoạt động ở vùng biển Việt Nam".
Hợp tác khoa học, giáo dục, văn hóa, du lịch cũng là những lĩnh vực hai bên lưu ý, Thủ tướng Nga nhấn mạnh. Hiện đang có 6.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Nga, trong đó có 2000 là theo học bổng nhà nước. Khách du lịch Nga đến Việt Nam ngày càng nhiều, năm 2014 là gần 400 nghìn người, nước Nga cũng sẵn sàng đón tiếp khách du lịch Việt Nam.
Cảm ơn nước Nga
Nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay Việt Nam biết ơn sự giúp đỡ ủng hộ to lớn quý báu mà Nga đã làm cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước hiện nay.
"Trong suốt chặng đường lịch sử quan hệ giữa hai nước chúng ta luôn gần gũi và gắn bó, được tôi luyện, vượt qua các thử thách và đang ngày càng phát triển. Chúng tôi tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục đồng hành trên con đường tới những thành công mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới". |
Theo Chung Hoàng
VietnamNet