“Nếu không tích cực, Chính phủ đã “buông” cho tăng giá”

(Dân trí) - “Nếu không tích cực, chúng tôi đã giữ chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng năm nay theo nghị quyết của QH là dưới 15%. Nhưng để phòng ngừa khả năng lạm phát chúng tôi đã đưa ra mức đề nghị điều chỉnh lại dưới 10%, tức chỉ số lạm phát dưới 1 con số…”

“Nếu không tích cực, Chính phủ đã “buông” cho tăng giá” - 1
Giá cả thị trường đang có xu hướng ổn định.
 
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc rất tự tin với những dự báo, tham mưu Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế xã hội trình QH trong kỳ họp này.
 
Tăng trưởng 5% trong tầm dự liệu
 
Công bố số liệu tình hình kinh tế đất nước 4 tháng đầu năm, công nghiệp, xuất khẩu đều giảm, nhập siêu tăng… Chỉ tiêu tăng trưởng 5% có khó khả thi, theo dự liệu của Bộ KH-ĐT?
 
Có thể nói khi đưa ra con số 5% chúng tôi đã tính toán khá kỹ trên cơ sở dự báo của cơ quan nghiên cứu. Chúng tôi có 2 bộ phận nghiên cứu là Trung tâm nghiên cứu dự báo kinh tế quốc gia và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ. Thêm nữa, Tổng cục thống kê cũng đưa thông tin dự báo, dù không chuyên nghiệp lắm.
 
Theo tất cả những luồng dự báo của Bộ KH-ĐT thì chỉ tiêu tăng trưởng vẫn ở mức 4,5 - 5,6%. Có phương án khả quan hơn là từ 4,69 đến 5,67%. Vậy nên chúng tôi mới trình ra phương án khoảng 5%, tức là có thể dưới hoặc trên con số này. Con số này nằm trong dự liệu của Bộ.
 
Nhưng dựa trên cơ sở nào Bộ cho rằng tăng trưởng cả năm có thể đạt được mức 5%?
 
Căn cứ vào tỷ lệ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Khu vực nông nghiệp vẫn hy vọng đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 3%. Từ xưa đến nay có thể nói nông nghiệp của chúng ta đều tăng trưởng ở mức như vậy, đó là con số gần như ổn định.
 
Về công nghiệp, quý I có giảm nhưng phải thấy trong tháng 2 công nghiệp giảm thấp nhất và tháng 3 đã tăng trở lại. Tháng 4 công nghiệp đã tăng trưởng ở mức 5,4%. Với khả năng của thị trường, khả năng phát triển của các doanh nghiệp, chúng tôi dự báo tăng trưởng của khu vực này trên mức 5%. Khu vực dịch vụ cũng tương tự.
 
Như thế, trên cơ sở dự báo tăng trưởng của 3 khu vực này, chúng tôi đưa ra mức tăng trưởng như trên.
 
Trông chờ nguồn thu để giữ giá tiêu dùng
 
Nhiều đại biểu, chuyên gia kinh tế vừa qua đã cảnh báo về nguy cơ tái lạm phát?
 
“Nếu không tích cực, Chính phủ đã “buông” cho tăng giá” - 2

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Chính vì vậy chúng tôi đã đưa ra một chỉ tiêu cần phải bám sát đó là chỉ số giá tiêu dùng. Nếu không tích cực, chúng tôi đã để theo nghị quyết của QH là dưới 15%.
 
Nhưng để phòng ngừa khả năng lạm phát cũng như để thực hiện các chính sách tài chính tiền tệ chặt chẽ hơn, chúng tôi đã đưa ra mức đề nghị điều chỉnh lại CPI dưới 10%, tức chỉ số lạm phát dưới 1 con số.
 
Việc này cũng đồng nghĩa, Chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để con số đó càng thấp càng tốt.
 
Khi đang chủ động bơm một lượng tiền lớn vào lưu thông như hiện nay thì biện pháp nào có thể kìm giữ chỉ số tăng giá tiêu dùng, thưa Bộ trưởng?
 
Các biện pháp đó là cố gắng tăng thu và giữ tỷ lệ bội chi không quá 8%. Bên cạnh đó, biện pháp tài chính tiền tệ phải thắt chặt hơn, đặc biệt trong các vấn đề quản lý đầu tư, cần có hiệu quả hơn. Chi thường xuyên cũng phải tiết kiệm hơn để đảm bảo khả năng cân đối ngân sách.
 
Nhưng chúng ta trông chờ vào khoản nào để tăng thu trong khi các giải pháp đưa ra mới chỉ thấy những khoản chi khổng lồ?
 
Trước hết phải nói các biện pháp đưa ra là buộc phải giảm thu nhiều nhưng ở mức tối thiểu, không được để giảm nhiều, để từ đó giữ mức bội chi dưới 8%. Chi thì không thể cắt đi được bởi những khoản chi hiện nay là cần thiết.
 
Chi cho xây dựng cơ bản, an sinh xã hội là nhất thiết phải chi còn tiết kiệm ở các khoản chi khác. Dù sao Chính phủ vẫn đề ra nguyên tắc là không giảm chi.
 
Còn tăng thu thì phải chờ vào kết quả các biện pháp thúc đẩy sản xuất mà chúng tôi đã trình bày.
 
Vậy Chính phủ sẽ tính toán thế nào nếu QH không duyệt mức bội chi 8% như đề nghị mà theo ý kiến phân tích của nhiều đại biểu, chỉ chấp nhận giới hạn tối đa là 7%?
 
Về việc này, Chính phủ cũng đang tính toán các kịch bản khác cho tất cả các khả năng bội chi. Theo ý kiến các đại biểu QH thảo luận như vậy, thường vụ QH chắc chắn tiếp thu, Chính phủ sẽ cùng trao đổi bàn bạc để đưa ra phương án hợp lý.
 
Vì chính sách xã hội, giảm hiệu quả đầu tư
 
Nhiều đại biểu cũng tỏ ý băn khoăn về hệ số sử dụng vốn ICOR hiện ở mức quá cao?
 
Nếu nói ICOR thì phải là cả một quá trình chứ không nói trong 1 năm được. Khi đang có khủng hoảng kinh tế thì không thể lấy chỉ số ICOR ngắn hạn để so sánh. Chỉ số này, đơn giản được tính bằng tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP chia cho tốc độ tăng trưởng hàng năm.
 
Vậy nếu có những nước tăng trưởng âm, hoặc bằng 0 thì không lẽ ICOR là vô cùng. Vậy nên phải xem xét cụ thể trong một thời kỳ. Mà nếu xem xét chính xác nhất thì phải trong khoảng 5 năm.
 
Đúng là 5 năm gần đây chỉ số này của chúng ta tăng lên, cao hơn 5 năm trước đây. Nhưng cần chú ý là ở các nước đang phát triển, những nước chú trọng nhiều đến các chính sách xã hội thì chỉ số ICOR bao giờ cũng cao bởi khi đầu tư vào lĩnh vực xã hội không thể đem lại mức tăng trưởng cao mà chỉ đảm bảo an sinh là chính.
 
Nếu chúng ta đặt vấn đề giữ cân bằng giữa xã hội và kinh tế thì luôn luôn có chỉ số ICOR cao.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng qua thời kỳ khủng hoảng chúng ta phải tính tới phương án để tái cấu trúc nền kinh tế. Ý kiến riêng của Bộ trưởng?
 
Đúng là chúng ta phải tính đến việc đó. Mà tái cấu trúc kinh tế không phải chỉ là một vài biện pháp mà cần một đề án cụ thể. Bộ KH-ĐT đang chuẩn bị một đề án để trình CP thông qua vào cuối năm nay. Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo tăng trưởng với chất lượng cao nhất.
 
P.Thảo