Nền tảng vĩ mô vững chắc, VND bị mất giá ít hơn các đồng tiền châu Á

(Dân trí) - Mức mất giá của VND nhìn chung vẫn tương đối ít so với đồng tiền của các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Trung Quốc… phần nào thể hiện sự vững chắc trong nền tảng vĩ mô cơ bản của Việt Nam (thặng dư cán cân vãng lai, cán cân vốn và thâm hụt ngân sách ở mức không quá cao).

Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xu hướng tăng của tỷ giá được duy trì trong phần lớn thời gian của quý III/2018.

Mức tăng của tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) kể từ đầu năm đến nay (đạt 2,6%) cũng vượt xa so với mức tăng của tỷ giá trung tâm (chỉ 1,2%). Tính riêng trong quý III thì tỷ giá trung tâm tăng nhẹ 0,3% còn tỷ giá tại các NHTM tăng 1,5%.

Tỷ giá USD/VND cả năm 2018 được dự báo biến động xoay quanh mức 3%
Tỷ giá USD/VND cả năm 2018 được dự báo biến động xoay quanh mức 3%

Theo BVSC, yếu tố khách quan gây áp lực lên tỷ giá trong quý vừa qua vẫn chủ yếu đến từ xu hướng mạnh lên của đồng USD và sự yếu đi của đồng CNY (hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam).

Kể từ giữa tháng 4 đến nay, đồng USD có xu hướng mạnh lên rõ nét trước sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách tăng lãi suất của FED. Chỉ số USD Index đã tăng từ mức thấp nhất 88,2 điểm lên mức 95 điểm trong phiên ngày 28/09/2018 (tương đương mức tăng 8%), còn so với thời điểm đầu năm thì USD Index vào thời điểm cuối quý III đã tăng 3,7%.

Báo cáo cho rằng việc tăng tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hợp lý khi thuận theo xu hướng khách quan của thế giới, tuy nhiên so sánh tương quan thì mức tăng của tỷ giá trung tâm trong nước (1,2%) thấp hơn hẳn so với mức tăng của USD Index (3,7%) trên thị trường thế giới. Điều này là dễ hiểu khi VND hiện được điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm, tức gắn với rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền chứ không chỉ duy nhất là đồng USD.

Trong số 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu tỷ giá trung tâm thì trong 3 quý đầu năm, VND giảm giá so với 2 đồng tiền là USD (2,6%); JPY (3%) và lên giá so với 6 đồng tiền còn lại là EUR (2,4%); SGD (1,4%); THB (1,3%); TWD (0,3%); KRW (3%); CNY (6%). Thêm vào đó, cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN vẫn là linh hoạt có kiểm soát chứ không phải hoàn toàn thả nổi.

Ngoài ra, việc chủ động điều tiết giảm giá VND của NHNN cũng phần nào duy trì lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam (khi đồng bản tệ của nhiều nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam cũng suy yếu so với đồng USD).

Trong suốt quý III, đồng nội tệ của các nước mới nổi chịu áp lực giảm giá lớn do rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giá dầu tăng và tình trạng thâm hụt kép (thâm hụt cán cân vãng lai và thâm hụt ngân sách) của các nước này.

Ở khu vực châu Á, các nước có đồng tiền mất giá mạnh nhất là Ấn Độ (14,5%), Indonesia (11,3%), Philippins (9%), Trung Quốc (6%)...

Mức mất giá của VND, theo đánh giá của BVSC, nhìn chung vẫn tương đối ít so với các nước trên, phần nào thể hiện sự vững chắc trong nền tảng vĩ mô cơ bản của Việt Nam (thặng dư cán cân vãng lai, cán cân vốn và thâm hụt ngân sách ở mức không quá cao).

Trong 3 tháng cuối năm, áp lực đối với tỷ giá vẫn còn, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường và nhu cầu ngoại tệ trong nước có thể tăng cao do yếu tố mùa vụ cuối năm, BVSC dự báo tỷ giá VND/USD có thể tăng khoảng 0,3-0,5% trong quý IV. Về tổng thể, dự báo mức mất giá của VND cho cả năm 2018 sẽ quanh mức 3%.

Mai Chi

Nền tảng vĩ mô vững chắc, VND bị mất giá ít hơn các đồng tiền châu Á - 2