Nên tăng giá điện cho… người giàu!
(Dân trí) - “Nhằm thay đổi thói quen sử dụng điện phung phí của nhiều người có “của ăn của để”, cần có chế tài để tính giá điện lũy kế sao cho người tiêu dùng càng nhiều điện thì càng phải trả giá cao hơn nhiều”.
Phát triển không có nghĩa phải sản xuất ra thật nhiều điện
Tại cuộc tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 22/10, GS Hiển cho biết, nhờ khoa học phát triển, con người có khả năng sử dụng càng ít năng lượng nhưng lại tạo ra càng nhiều của cải hơn, điều này có nghĩa là việc sử dụng năng lượng ngày càng phải hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình hình lại ngược lại do sử dụng năng lượng còn lãng phí.
“Hiện đại không có nghĩa là phải sản xuất ra ngày càng nhiều điện, mà là dùng càng ít năng lượng nhưng làm ra được càng nhiều của cải. Ở các nước phương Tây, họ sử dụng 1kWh điện và làm ra được 4 USD, trong khi đó, tỷ lệ này ở Việt Nam là dùng 1kWh điện chỉ làm ra được 1USD,” GS cho biết.
Hàng năm Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng điện 15% để đạt được tăng trưởng GDP 6-7%. Trong khi đó, ở các nước phát triển như Đức, Nhật,… tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP gần như bằng nhau. Điều này chứng tỏ một xu hướng, càng hiện đại thì tốc độ tăng trưởng điện năng càng giảm. Vậy là, Việt Nam đang sai lầm khi cố gắng đạt tăng trưởng điện năng tăng nhanh. Chúng ta đi sau, nhưng cách sử dụng điện lại không hiệu quả như các nước phát triển trước, trong khi ta có nguồn lực phát triển thủy điện rất dồi dào, thì lại quản lý lỏng lẻo ở khắc phục tác động môi trường.
Không thể nằm ngoài quy luật của sự phát triển
“Không có cách nào khác ngoài việc giải quyết triệt để bài toán sử dụng năng lượng hiệu quả. Đó là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việt Nam không thể đi theo hướng khác mà phải cố gắng bám theo định hướng đó,” GS Hiển nhấn mạnh.
Theo GS, hiện nay chúng ta giải quyết vấn đề tiết kiệm điện chưa dứt điểm, đơn giản nhất như cách dử dụng điều hòa từ 26 độ C trở lên hay thay bóng đèn sợi tóc bằng bóng đèn tiết kiệm điện thì chưa phải tất cả mọi người dân đều biết hoặc tuân theo. Nhiều người vẫn có thói quen bật điều hòa dưới 20 độ C, một số người khác lại thích dùng bóng đèn sợi tóc vì cho rằng sẽ ấm hơn vào mùa đông. Những người này nên biết rằng, nếu họ giảm 1 độ điều hòa, sẽ làm tăng thêm 5% năng lượng tiêu thụ, còn việc nghĩ rằng bóng đèn sợi tóc ấm hơn chỉ là cảm giác.
Hiện nay, cả nước ta tiêu thụ gần 100 tỷ kWh điện/năm để làm ra GDP khoảng 100 tỷ USD/năm. Trong đó, điện thương phẩm được phân ra như sau; Công nghiệp và xây dựng (51%), Quản lý và tiêu dùng dân cư (40%), Thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng (5%), Nông lâm nghiệp và thủy sản (1%), vàc các hoạt động khác (3%). Nhóm công nghiệp và xây dựng sự dụng năng lượng không hiệu quả là do sự dụng công nghệ lạc hậu.
Vì giá điện thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên Việt Nam đang thu hút rất nhiều công nghệ lạc hậu. Còn với nhóm quản lý và tiêu dùng dân cư, cách sử dụng năng lượng cũng chưa hiệu quả do nhận thức của người dân. Nhiều ngưới cứ nghĩ rằng họ có tiền, họ có quyền sử dụng điện phung phí và sẵn sàng trả hàng triệu tiền điện mỗi tháng. Mỗi một tổ chức, cá nhân như thế sẽ làm trầm trọng hóa sự lãng phí năng lượng ở nước ta.
Ngoài ra, cần chú trọng nhiều hơn đến khâu truyền tải vì tỷ lệ thất thoát điện qua truyền tải ở Việt Nam vẫn còn khá cao, ở mức 10% hiện nay.
“Việt Nam cần từng bước nâng cao giá điện để ngang bằng với giá trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, nước ta xuất khẩu thép thực chất chính là xuất khẩu điện năng giá rẻ, đây là một sự lãng phí lớn,” GS đề xuất.
Cần có chế tài để đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng điện của mỗi dự án đầu tư nước ngoài. Cần phải xem xét lượng điện họ sẽ tiêu thụ một năm so với hiệu quả đầu tư họ mang lại.
“Cần ra sách trắng về năng lượng và điện năng, đặt Việt Nam trong bản đồ chung của thế giới, trong sự phát triển chung của thế giới. Chúng ta không thể đi riêng mà cần hội nhập với thế giới để biết cách sử dụng năng lượng ít, nhưng lại làm ra nhiều của cải, đạt được nhiều sự phát triển.”
Tư nhân hóa ngành điện
Bà Nadia Charady, Trưởng Đại điện Viện Rosa Luxemburg Stiftung tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam cần phân quyền cung cấp điện, cho phép tư nhân và người dân tham gia sản xuất điện để đảm bảo tính minh bạch của hệ thống và nâng cao ý thức về sử dụng năng lượng hiệu quả của người dân.
“Hiện nay, nước Đức khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, người dân được phép phát triển năng lượng tái tạo để phục vụ tiêu dùng hàng ngày của họ. Nếu điện họ sản xuất ra dư thừa họ có thể kết nối lên lưới điện chung, nhà nước sẽ trả họ với giá cao hơn giá điện họ mua từ nhà nước,” bà Nadia cho biết.
Theo GS Hiển, phát triển năng lượng tái tạo là một nhu cầu tất yếu mà sớm muộn nước ta cần quan tâm vì năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng vô tận.
Ở Mỹ, lượng dầu dùng từ một 100 trở lại đây bằng lượng còn lại bây giờ. Tuy nhiên, việc sử dụng sẽ nhanh hết hơn do nhu cầu tăng nhanh, chính vì thế nước này đã bắt đầu quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Sau sự cố nhà máy hạt nhân hồi tháng 3 vừa qua, Nhật có kế hoạch sẽ giảm phụ thuộc vào điện hạt nhân và sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, điều này sẽ tạo bước ngoặt cho thế giới.
Chưa đủ điều kiện xây nhà máy điện hạt nhân
Trả lời câu hỏi của các bạn trẻ đến từ nhiều trường đại học như ĐH Điện lực, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân Hàng, …GS Hiển cho biết, việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam không giống với các nước khác. Nếu Đức dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vì điều đó phù hợp với họ, thì việc Pháp xây nhiều nhà máy điện hạt nhân vì định hướng này phù hớp với nước họ, Việt Nam thì lại khác.
“Tổ chức con người ở Việt Nam chưa phù hợp cho việc phát triển điện hạt nhân. Làm điện hạt nhân thì không thể có nền giao thông lộn xộn như chúng ta. Người dân Việt Nam chưa có ý thức và kỷ luật công cộng tốt, nếu cứ xây điện hạt nhân thì rất nguy hiểm. Do nhu cầu điện gia tăng, nếu không có giải pháp thay thế, thì trước sau gì cũng cần xây nhà máy điện hạt nhân nhưng điều quan trọng là phải chọn thời điểm cho phù hợp. Hiện nay Việt Nam chưa đủ điều kiện để phát triển điện hạt nhân,” GS cho biết. Trong khi đó, bà Nadia ủng hộ việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế hơn là điện hạt nhân vì chi phí xây dựng cao, nếu sự cố xảy ra hậu quả để lại có thể ảnh hưởng đến hàng trăm năm, chi phí bảo dưỡng, đảm bảo an toàn cao, việc xử lý rác thải hạt nhân rất phức tạp. “Người dân Đức vẫn chưa thể quên những tác hại do thảm họa Chernobyl. Tôi kỳ vọng một thế giới không có điện hạt nhân. Con người có thể dùng hạt nhân để làm những việc to tất như bay lên cung trăng, chứ không nên dùng điện hạt nhân cho sinh hoạt hàng ngày vì chúng ta có các nguồn năng lượng thay thế,” bà Nadia nhấn mạnh. |
Thảo Nguyên