Nên sớm kết thúc “kích cầu”

Đây là quan điểm của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á tại hội thảo về hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ, do Hội Các nhà quản trị Việt Nam tổ chức ngày 23/7, tại Hà Nội.

Nên sớm kết thúc “kích cầu” - 1
Gói kích cầu của Chính phủ được sử dụng hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp.
 
Đến nay, chương trình kích cầu của Chính phủ đã triển khai được 6 tháng với 2 gói giải pháp tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vay vốn bù lãi suất 4% và cho nông dân vay vốn lãi suất 0% mua thiết bị, vật tư nông nghiệp... Xung quanh các gói giải pháp này hiện đang có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Vật tư Công nghiệp Quốc phòng, đưa ra nhận định khiến nhiều người giật mình: DN nhỏ và vừa là đối tượng cần được tiếp sức nhiều nhất trong suy thoái kinh tế, nhưng có đến 90% chưa tiếp cận được vốn vay bù lãi suất do thủ tục cho vay quá chặt chẽ và không có tài sản thế chấp để vay vốn.

Ông Thuận dẫn chứng: Đã có 400.000 tỉ đồng cho vay bù lãi suất được giải ngân nhưng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển mới bảo lãnh được 2.600 tỉ đồng, một con số quá nhỏ đối với số lượng khoảng 150.000 DN đang hoạt động. Theo tính toán, DN nhờ hỗ trợ lãi suất nên đã giảm chi phí vay vốn xuống khoảng 35 - 37%, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm từ 2 - 4%.

Với chính sách bù 4% lãi suất vào vốn vay trong thời hạn 8 tháng thì thực chất mức hỗ trợ lãi suất là 2,66% lãi vay thực trả. Đối với DN lớn, vay nhiều thì mức hỗ trợ lãi suất này rất đáng kể nhưng với DN nhỏ vay ít (do chưa tiêu thụ được hàng hóa) thì mức này không đáng kể.

Giám đốc một DN nhỏ phản ánh ngân hàng chỉ “thích” duyệt hồ sơ có tài sản thế chấp chứ không dựa vào phương án kinh doanh, cho nên có tình trạng ai vay được cứ tranh thủ vay vốn rồi đổ vốn vào bất động sản, chứng khoán trong khi DN này có thiết bị trị giá 10 tỉ đồng, chạy qua mấy ngân hàng đều bị từ chối hoặc chỉ đồng ý cho vay 500 triệu - 800 triệu đồng.

“Bà xã tôi đầu tư vào bất động sản từ tháng 2 đến nay đã lãi gấp đôi. Còn DN của tôi từ 200 công nhân đến nay chỉ duy trì được 50 người và sắp tới không vay được vốn để duy trì hoạt động. Có lẽ tôi phải bán nhà xưởng vì DN nhỏ khó được hưởng lợi từ chính sách kích cầu” - vị giám đốc này nói.

Đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Nick Freeman khuyến cáo chi phí và hậu quả của các gói kích cầu để lại đều do người đóng thuế chịu.

Lúc này, Chính phủ cần tính toán kết thúc gói kích cầu vào lúc nào để có thể tăng trưởng bền vững và nên kết thúc sớm để hậu quả không kéo dài. Nếu kết thúc quá muộn, kinh tế VN sẽ tăng trưởng quá nóng như thời kỳ cuối năm 2007.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất “đã đến chân tường” khi lãi suất huy động bắt đầu tăng.

Việc tăng lãi suất huy động cho thấy vốn bắt đầu khan hiếm và rủi ro của hiện tượng này là người dân có thể ồ ạt rút tiền tiết kiệm chỗ lãi thấp gửi chỗ lãi cao, ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của hệ thống ngân hàng.

Việc hạ lãi suất đồng USD để hy vọng kéo giảm lãi suất VNĐ và phát hành trái phiếu Chính phủ gần đây không thành công, cho thấy cần phải có những điều chỉnh mới về chính sách tiền tệ.

Theo Tô Hà
Báo Người lao động