Nên giảm bớt 30% ngân hàng nhỏ

Chúng ta có quá nhiều ngân hàng nhưng vốn của mỗi ngân hàng lại quá khiêm tốn. Tại TPHCM có những khu phố có tới hai chi nhánh của một ngân hàng.

“Chúng ta vẫn mở rộng cửa cho ngân hàng nước ngoài vào hoạt động theo cam kết WTO. Tuy nhiên, cũng cần “khai tử” bớt một số ngân hàng nhỏ bằng các hình thức mua bán sáp nhập nhưng tỉ lệ không quá 30%”, GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, đã nhận định như vậy khi trao đổi về các giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
 
Nên giảm bớt 30% ngân hàng nhỏ - 1
Cần “khai tử” bớt một số ngân hàng nhỏ bằng các hình thức mua bán sáp nhập.

 

“Nội” đánh nhau…

 

Chưa bao giờ các ngân hàng cạnh tranh rất khốc liệt với nhau như hiện nay, chính vì thế lãi suất bị đẩy lên từng ngày. GS-TS Cao Cự Bội, nguyên giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết cả nước hiện nay có gần 100 ngân hàng. Thời gian gần đây các ngân hàng chạy đua mở rộng chi nhánh. Việc cạnh tranh nhau về mặt số lượng như vậy sẽ có hại hơn là lợi. Những ngân hàng này chưa có đủ thực lực nên khi mở thêm chi nhánh, họ phải tức tốc huy động vốn, đó là điều rất nguy hiểm.

 

“Tại TPHCM tôi để ý có những khu phố có tới hai chi nhánh của một ngân hàng. Có nhất thiết bên này một ngân hàng, bên kia một ngân hàng hay không? Trước kia chúng ta quy định ngân hàng phải nâng vốn lên đến 3.000 tỉ đồng. Nhưng cuối năm 2010, một số ngân hàng cũng không đảm bảo được con số này nên lại xin gia hạn. Khi chưa đủ nguồn vốn quy định thì không dám chắc nghiệp vụ của những ngân hàng này sẽ tốt. Trong khi đó, các ngân hàng này nếu hoạt động ở địa phương thì rất phù hợp và hữu dụng”, ông Bội nhận định.

 

Trao đổi với PV, ông Khổng Văn Minh, Giám đốc đầu tư Quỹ Jaccar, cho rằng Việt Nam có quá nhiều ngân hàng lớn nhỏ. Đây không phải là điều tốt, trong khi đáng ra chúng ta nên tập trung vào cho những ngân hàng lớn mạnh thực sự về nội lực.

 

“Khi có vấn đề, các ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất lên để thu hút vốn, giữ chân khách hàng. Lúc đó các ngân hàng lớn cũng buộc phải chạy theo cuộc đua lãi suất. Nếu chúng ta không đưa ra giải pháp thì mặt bằng lãi suất sẽ khó mà ổn định”, ông Minh nói.

 

“Ngoại” chớp cơ hội

 

Khi “cuộc chiến” giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn trong nước đang diễn ra thì các ngân hàng ngoại đã biết chớp gọn cơ hội này. Bằng chất lượng dịch vụ cực tốt, trình độ quản lý chuyên nghiệp, các ngân hàng ngoại đã hút được rất nhiều doanh nghiệp đến với mình. Ông Minh cho biết nhờ chất lượng dịch vụ cao nên dù các ngân hàng này có những yêu cầu khắt khe hơn nhưng lượng khách hàng của họ vẫn cứ tăng.

 

Ngay cả việc đặt các trạm ATM, các ngân hàng nước ngoài cũng chú ý tới nhu cầu sử dụng hơn là hình thức khoa trương. Họ chọn những nơi tụ tập đông người như siêu thị, nơi mua sắm, ăn uống chứ không nhất thiết phải là những chỗ đắc địa, mặt tiền để cạnh tranh với những ngân hàng khác. “Đấy là chưa kể các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cơ chế hoạt động an toàn đã tạo tâm lý an tâm cho khách hàng” - ông Minh nhấn mạnh.      

 

Muốn mạnh hơn thì phải thanh lọc

 

Để giải quyết vấn đề này, GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền cho rằng phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo hướng mở rộng quy mô về vốn để hình thành những ngân hàng có tầm cỡ quốc tế.

 

Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách tăng quyền tự chủ về tài chính cho các ngân hàng thương mại, tiến tới thực hiện tự do hóa lãi suất tín dụng theo thông lệ quốc tế.

 

GS-TS Cao Cự Bội cho rằng các ngân hàng muốn hoạt động chuyên sâu thì phải xác định lại đối tượng khách hàng của riêng mình để tránh mở chi nhánh tràn lan. Chẳng hạn, Nhà nước phải quy định đối với các ngân hàng chuyên về nông nghiệp thì nên trả lại vị trí cũ của nó là nhắm đến đối tượng khách hàng ở nông thôn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu cho những ngân hàng này mở nhiều chi nhánh trong cả nước là quá sức nhưng hoạt động ở đúng địa bàn thì sẽ đem về hiệu qua cao.

 

Theo Yên Trang

Báo Pháp Luật TPHCM