1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nên cho tư nhân đấu thầu xuất khẩu gạo

Giá gạo thế giới đang tăng mạnh, trong khi giá thu mua lúa gạo của nông dân trong nước giảm xuống, giá bán gạo cho người tiêu dùng tăng lên.

Nhận định về tình hình này, chúng tôi giới thiệu bài viết của ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên gia cao cấp bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vừa qua, chính phủ đã ra quyết định hạn chế xuất khẩu gạo ở mức 3,5 triệu tấn trong khi năm ngoái, Việt Nam xuất được 4,5 triệu tấn. Sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (nguồn cung chính cho xuất khẩu) vẫn tương đối ổn định với sản lượng đạt khoảng 18 - 19 triệu tấn lúa/năm.

Nhưng để điều hoà và cân đối lương thực cho miền Bắc và miền Trung trong bối cảnh diện tích canh tác giảm, thiên tai khắc nghiệt như hiện nay, việc cân nhắc chỉ tiêu xuất khẩu gạo là việc phải làm.

Doanh nghiệp "hớ giá" xuất khẩu, đánh nông dân?

Thực tế với mức giá xuất khẩu gạo hiện tại trên thị trường thế giới, Việt Nam có thể bằng hoặc hơn Thái Lan. Nhưng ngay từ đầu năm, Việt Nam đã tham gia đấu thầu 300.000 tấn gạo, loại 25% tấm xuất sang Philippines chỉ ở mức 350 USD/tấn. Mức giá này, tưởng như có lời, nhưng số lượng tồn kho của các doanh nghiệp đầu mối thuộc tổng công ty lại rất “mỏng”.

Cho đến khi giao hàng giá gạo thế giới lên mức 500 - 600 USD/tấn. Đương nhiên người nông dân, hàng xáo (thương lái thu mua) buộc phải bán theo giá thị trường và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải chịu một mức lỗ lớn.

Mức lỗ này nhà nước phải chịu, ngân sách mất đi hàng chục triệu USD. Xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay vẫn do các công ty quốc doanh ký đấu thầu và có “bàn tay” của bộ Công thương tham gia.

Nếu như cứ để cho mọi công ty tư nhân cũng như nhà nước tự do kinh doanh xuất khẩu và tự chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh sẽ không có tình trạng chúng ta mất trắng một khoản tiền lớn như thời gian qua.

Đã có những thông tin cảnh báo về giá cả gạo thế giới trong xu hướng tăng từ trước. Và  việc chấp nhận đấu thầu xuất khẩu gạo giá thấp cũng không ngoại trừ mỗi hợp đồng đấu thầu đều phải có “lại quả”, hoa hồng… Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin, dự báo về giá cả của chúng ta vẫn chưa được tốt.

Cứ tính trung bình, mỗi tấn gạo đấu thầu xuất khẩu như kể trên vừa qua, lỗ 100 USD. Một khoản lỗ quá đau đớn, trong khi Thái Lan cũng xuất khẩu gạo nhưng họ đâu có đấu thầu, họ vẫn bán gạo với giá cao hơn Việt Nam.

Nay để kiềm chế lạm phát do giá lương thực tăng, nhà nước dùng chế tài “cấm” việc xuất khẩu gạo, trong khi Việt Nam vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Việc không cho các doanh nghiệp ký thêm hợp đồng mới, các doanh nghiệp xuất khẩu giảm thu mua cộng với việc thắt chặt cho vay với lãi suất cao đã làm cho giá gạo trong nước rớt giá.

Tác động của việc này là giá thu mua gạo trong nước giảm xuống, biện pháp này có thể nói là chúng ta đang “đánh” vào nông dân nghèo.

Mặc dù, hạt gạo cho vị trí đặc biệt trong đời sống, chính phủ buộc phải can thiệp để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nhưng không vì thế mà xảy ra một “biến tướng” của độc quyền.

Câu chuyện của đấu thầu, giá rẻ là thắng, Thông qua hiệp hội, thông qua các tổng công ty lương thực lớn, họ lấy giá đầu ra làm chuẩn, để “ép” giá nông dân. Ví dụ Việt Nam trúng thầu gạo 350 USD/tấn cho gạo 25% tấm, những ông xuất khẩu trực tiếp cũng là những ông đầu mối thu gom.

Khi bán lúa, nông dân buộc phải bán theo giá thị trường hiện tại, dù bị ép giá thấp hơn giá thị trường, nông dân cũng buộc phải bán cho những ông thu mua xuất khẩu này, bởi không bán cho họ thì biết bán cho ai. Để tránh thiệt hại cho người nông dân, tôi cho rằng chính phủ nên điều tiết việc đấu thầu các hợp đồng xuất khẩu gạo phải tương ứng với những hợp đồng thương mại xuất khẩu bình thường.

Nghịch lý giá gạo, vì sao?

Xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn phải mua gạo với giá đắt hơn so với giá xuất khẩu. Có nhiều lý do. Lý do dễ thấy nhất là do tập quán của người dân, nông dân trong nước. Mỗi mùa thu hoạch, vừa gặt xong, bà con đã bán hết lúa.

Đến khi cần, người nông dân lại bán gạo theo giá thị trường và người tiêu dùng gạo buộc phải chấp nhận mức giá này. Giá gạo tiêu thụ nội địa chiếm thị phần ít trong một thời điểm nhất định, trong khi đó lượng gạo thu mua xuất khẩu lại rất lớn.

Khi giá mua bán trên thị trường hình thành bởi số lượng gạo đang lưu thông, ai mua nhiều sẽ được mua với giá rẻ hơn, tiêu thụ nội địa ít hơn nên giá buộc phải cao hơn.

Ông nông dân không thể bán gạo trực tiếp ra thị trường, phải bán lúa cho hàng xáo. Hàng xáo tập trung thu mua lúa gạo ở một chiếc ghe khoảng 300 tấn ở ngã ba sông. Từ đây những thương lái mới chuyển về cho những đầu nậu thu mua và xay xát và bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mỗi mắt xích này đều phải chịu một phần chi phí cao đã đẩy giá gạo lên cao.

Hiện vẫn chưa có một doanh nghiệp tư nhân nào tham gia xuất khẩu, tất cả những nguồn thu mua đều đổ về tổng công ty lương thực I (Vinafood I) và Vinafood II. Vì vậy, việc giảm giá thành là điều khó, chỉ khi nào giảm được đầu mối trung gian, mua ngay bán ngay mới mong giảm được giá thành.

Theo Trần Đức Tụng
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm