1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

NĐT nhỏ lẻ trước “bong bóng” chứng khoán xì hơi

(Dân trí) - Sau 2 năm phát triển bong bóng với tốc độ nhất nhì thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang đứng đầu về mức suy giảm. Trong giai đoạn quay về giá trị thực, các chuyên gia cảnh báo cần có biện pháp bảo vệ NĐT nhỏ lẻ.

Bong bóng xì hơi

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức hoạt động từ năm 2000, nhưng thực sự có bước chuyển mình trong vòng 2 năm nay, khởi đầu và đánh dấu bởi bước nhảy vọt từ cuối năm 2006 khi Chính phủ có những quyết toán lớn về chính sách, giải pháp phát triển thị trường này.

Chỉ tính cổ phiếu, tổng giá trị vốn hoá thị trường cuối năm 2006 tương đương 22,7% GDP, số công ty niêm yết tăng lên 193 so với 41 công ty vào năm 2005. Năm 2006, số tài khoản giao dịch đạt hơn 10 vạn, Vn-Index từ cuối năm 2005 lên trên 800 điểm vào cuối năm 2006.

Bước sáng năm 2007, TTCK Việt Nam đã có bước bứt phá kỷ lục, số DN niêm yết, các công ty chứng khoán tăng nhanh, lượng tài khoản mới mở nhiều. Giá trị thị trường lúc đỉnh điểm lên gần 50% GDP (491.000 tỷ đồng) và Vn-Index đạt đỉnh 1.170 điểm vào tháng 3/2007, thu hút hơn 5 tỷ USD từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp.

Tuy nhiên, sau cú bứt phá không thực chất, cùng với các vấn đề vấn đề mới phát sinh của nền kinh tế 2008, TTCK Việt Nam nhanh chóng rơi vào trạng thái hụt hơi, đuối sức nên đã giảm sâu.

Chỉ số Vn-Index đầu năm 2008 đạt 921,07 điểm, đến đầu tháng 12 đã rớt xuống mức 289 điểm và hiện dao động quanh ngưỡng 300 điểm; giá trị vốn hoá thị trường có lúc lùi về con số 13 tỷ USD (tương đương 17% GDP), thấp hơn con số đã đạt được năm 2006.

Theo đánh giá của TS. Lê Hải Mơ, Viện Khoa học Tài chính: “Sự thăng trầm không bình thường của TTCK Việt Nam từ năm 2006 đến nay, nếu bình tĩnh mà nhìn nhận thì có thể coi là hiện tượng không quá đặc biệt và cũng thường gặp ở nhiều nước.

Chúng ta không phủ nhận những nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là năm 2008 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, do khó khăn của nền kinh tế nước ta buộc Nhà nước phải điều chỉnh mạnh nhiều chính sách kinh tế - tài chính - tiền tệ”.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc để cho TTCK Việt Nam trải qua những thăng trầm “quá mức trong giai đoạn phát triển vừa qua có một phần xuất phát từ sự tụt hậu về năng lực quản lý, điều tiết từ phía Nhà nước so với yêu cầu thực tiễn”.

Một hiện tượng thường thấy sau những biện pháp điều tiết TTCK là sự tăng giá thường xuyên trong năm 2006 - 2007 chứa đựng yếu tố ảo, song do không đánh giá chính xác hiện trạng thị trường; thậm chí có “biểu hiện cổ vũ, quá say sưa với sự khởi sắc của thị trường giai đoạn này nên cả cơ quan quản lý lẫn NĐT đều không quan tâm”.

Tạo ra sự sụt giảm mạnh của chỉ số chứng khoán năm 2008 có yếu tố ảo của TTCK những năm 2006 - 2007. TS. Nguyễn Thị Hiền cũng dùng từ “quá say sưa” khi nói về sự khởi sắc của thị trường.

“Chúng ta đã không nhìn thấy một thực tế là vốn kinh doanh chứng khoán giai đoạn này đã bắt đầu có yếu tố ảo (vay nóng, vay ngân hàng, thậm chí có thể cầm cố chứng khoán) chứ không phải phần lớn là vốn tự có (tiền sở hữu cổ phần ưu đãi, tiền nhàn rỗi, tiền bán hoặc thế chấp tài sản) như thời kỳ đầu”, TS. Hiền nhấn mạnh.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đây là giai đoạn xì hơi của bong bóng chứng khoán sau 2 năm phát triển quá mức. “Đó là tín hiệu tốt, vì xét về cơ bản, sau bong bóng thị trường có xu hướng quay lại giá trị thực”.

Bảo vệ NĐT nhỏ lẻ thế nào?

Cũng như nhiều ngành nghề khác, TTCK đang trong “vòng xoáy” của cơn bão tài chính toàn cầu, vậy nên các giải pháp mang tính toàn vẹn là hết sức cần thiết cho một sự phát triển bền vững.

TS.Vũ Đình Ánh đề xuất giải pháp tăng cường chế tài cho thị trường hoạt động thực sự minh bạch, đặc biệt là chế tài xử phạt, thậm chí cần có trường hợp điển hình, ví dụ như rút giấy phép kinh doanh của một số công ty chứng khoán liên tục vi phạm nhiều lần, hủy hoặc không cho công ty vi phạm nặng được niêm yết trên sàn, sắp đặt và củng cố lại thị trường.

Đặc điểm nổi bật nhất của TTCK Việt Nam từ khi chào đời cho đến nay là số đông NĐT trên thị trường là những NĐT nhỏ lẻ, đầu tư theo phong trào. Công khai, bình đẳng về thông tin cũng là biện pháp bảo vệ NĐT nhỏ lẻ.

“Có 90% NĐT nhỏ lẻ mà công khai thông tin chính là biện pháp bảo vệ NĐT nhỏ lẻ trước NĐT lớn, vì thông thường khả năng tiếp cận thông tin chính xác của NĐT nhỏ kém xa so với các tổ chức định chế kinh doanh chứng khoán. Chúng ta cũng nên hình thành các quỹ đầu tư chứng khoán để NĐT nhỏ lẻ ngoài việc trực tiếp lên sàn có định chế vẫn kinh doanh được thay vì tự mở tài khoản”.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh bóng bóng TTCK xì hơi, nên tiếp tục cung cấp hàng hóa tốt cho thị trường, tạo cơ hội cho NĐT cơ cấu lại các khoản đầu tư không dựa trên loại chứng khoán hiện có mà có thể trên hàng mới. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội để hồi phục, khi lạm phát được kiểm soát.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm