“Nảy lửa” nghị trường tranh luận về đấu giá kho số đẹp
(Dân trí) - Trong khi đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, việc gì dù nhỏ mà có lợi cho dân cho nước thì phải làm, “đưa kho số ra đấu giá có lợi hàng nghìn tỷ đồng thì ngại gì không đưa vào”, một số vị đại biểu khác lại phản đối, cho rằng quản lý sẽ rất khó khăn, “chưa chắc thu được gì”.
Đấu giá có lợi hàng nghìn tỷ đồng, việc gì không đưa vào?
Như đã đưa tin, trong phiên sáng nay (29/5), khi thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đưa ra tính toán”với số lượng xe ô tô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số lượng xe công, thì nếu thực hiện đấu giá, định giá thì trong năm 2016 chúng ta đã có thể thu được gần 5.000 tỷ đồng”.
Sau ý kiến nay, nhiều vị đại biểu đã tham gia tranh luận tại hội trường về nội dung đấu giá biển số với những quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập, trong đó có việc đấu giá biển số xe để tăng nguồn thu cho Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này. Ông Phương dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “việc gì dù nhỏ mà có lợi cho dân cho nước thì phải làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì nhỏ mấy cũng không làm”.
Do đó, vị đại biểu cho rằng: “Việc kho số mà đưa ra đấu giá có lợi hàng nghìn tỷ đồng thì việc gì chúng ta không đưa vào. Còn việc sửa chữa, điều chỉnh như thế nào thì vấn đề hướng dẫn cụ thể ta sẽ làm được”.
Tuy nhiên, theo ông, cái khó bây giờ là biển số gắn với xe thì dứt khoát khi bán xe, chủ xe có quyền bán cả biển số chứ không thể bán xe riêng, biển số riêng được vì số đấy gắn với xe. Hay như biển số nhà, tương tự cũng gắn với đất nên khi đấu giá, biển số có thể mua bán kèm được.
“Số xấu” - dân có quyền từ chối hay không?
Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lại băn khoăn: "Những số đẹp như 'lộc, phát', 'tứ quý'… thì không nhiều, ai cũng muốn nhưng quan niệm thông thường của người dân chủ yếu là “được thì quý mà không được thì thôi, cũng chẳng sao”.
Thế nên, vị đại biểu cho rằng, nếu đấu giá thì chỉ nên đấu giá số đẹp mà thôi. “Lập được gì có số liệu mấy nghìn tỷ đồng như vậy người dân nghe thấy, chúng ta bỏ lọt ra ngoài thì thiếu sót chúng ta quá”, đại biểu tỉnh Ninh Bình chia sẻ.
Ông Bùi Văn Phương cũng nói thêm rằng, liên quan đến quyền tài sản, theo quy định tại Hiến pháp, nếu người sở hữu xe với biển số đẹp (như biển số tứ quý chẳng hạn) thì người sở hữu có quyền bán biển số khi không còn dùng nữa. Lúc đó, quản lý Nhà nước về biển số xe này sẽ như thế nào? – ông Phương thắc mắc.
Hai là, hiện tại quản lý số nhà đang theo dãy bên chẵn, bên lẻ. Nếu coi đây là kho số để quản lý Nhà nước thì đến số 13 có người không thích, muốn đấu giá một số khác không nằm theo trật tự quản lý thì sẽ xử lý ra sao?
“Ở đây tôi đề nghị chúng ta hết sức cân nhắc điều này vì thực sự tâm lý cần số đẹp là có nhưng số đó là số ít, còn số người ta cần trong người nói là được thì cũng tốt, không được cũng không sao. Người bây giờ đăng ký xe bỏ tiền ra để mua lấy một số đẹp tôi nói thật với các đồng chí là sẽ không có. Luật chúng ta quy định thế này, sau này liên quan đến một loạt các luật khác, chúng ta sẽ quản lý rất khó khăn, mà chưa chắc chúng ta đã thu được gì” – ông Phương nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đồng tình quan điểm với đại biểu Bùi Văn Phương và dẫn lại thắc mắc của cử tri: "Số đẹp thì Nhà nước bán như thế còn số không đẹp công dân có quyền bỏ tiền ra từ chối để đảm bảo công bằng không? Ví dụ số 13 “ba chìm bảy nổi, liệu công dân có quyền từ chối?".
Ngoài ra, liên quan đến phân loại, Điều 4 dự luật quy định “kho số viễn thông và số khác phục vụ quản lý Nhà nước”, đại biểu Hồng đặt câu hỏi: Vậy “kho số khác quản lý Nhà nước” là kho nào? Ngoài số kho khác này còn kho nào nữa không?
Do vậy, đại biểu này cho biết, quan điểm cá nhân không đồng tình với chuyện đấu giá các loại số.
Bích Diệp