“Năng suất sản xuất Việt Nam chỉ bằng 7% Trung Quốc”
(Dân trí) - Đại diện AmCham cho biết, chi phí trung bình cho lao động nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí ở Trung Quốc, song lợi thế của chi phí lao động thấp bị giảm đi bởi sản lượng bình quân đầu người còn yếu kém.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra sáng 2/12/2014
Tuy nhiên, dù có những tín hiệu tích cực và tăng trưởng, AmCham cho biết, thường thấy ý định ban đầu của một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không hiện thức hóa dược vì liên tiếp phải đối phó với những thách thức về tham nhũng, hạn chế, nguồn nhân lực, và quy trình cấp phép cũng như môi trường pháp lý chưa rõ ràng, còn nhiều hạn chế và phức tạp.
Để những tiềm năng này sẽ được cụ thể hóa thành những khoản đầu tư vững chắc hơn, AmCham cho rằng, Việt Nam cần có những bước tiến rõ rệt trong việc cải thiện những vấn đề liên tục được nêu lên tại các Diễn đàn như ngày hôm nay, cũng như có các biện pháp rõ ràng đối với những thách thức có thể làm mờ hình ảnh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các thành viên AmCham mong muốn sẽ được thấy các thay đổi tích cực nhằm khích lệ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, cho phép và hỗ trợ thay vì cản trở các cơ hội kinh doanh.
AmCham tin rằng, môi trường kinh doanh có thể được cải thiện tốt nhất bởi những chính sách thúc đẩy tăng năng suất, giảm chi phí cũng như giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Sự tăng trưởng liên tục đang bị đe dọa
Tại Diễn đàn, Chủ tịch AmCham lưu ý rằng, những bước chuyển biến diễn ra tại Trung Quốc – như tăng chi phí lao động và chuyển hướng sang một mô hình kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu – đang mở ra một cánh cửa cho Việt Nam với cơ hội chiếm được thị phần lớn hơn trong tổng khối lượng sản xuất toàn cầu, đặc biệt từ các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm địa điểm sản xuất với chi phí thấp hơn.
Hiện tại, có khoảng 2/3 sản lượng xuất khẩu và 1/2 sản lượng công nghiệp đầu ra của Việt Nam là từ các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài hoặc sản xuất cho các thương hiệu nước ngoài.
Chi phí trung bình cho lao động nhà máy ở đây chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế của chi phí lao động thấp bị giảm đi bởi sản lượng bình quân đầu người còn yếu kém. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng năng suất lao động bình quân ở khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 7% năng suất bình quân ở Trung Quốc, đại diện AmCham cho hay.
Phía AmCham đưa ra cảnh báo rằng, thách thức về năng suất lao động này, cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam.
Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy chương trình giảng dạy đã lỗi thời, giáo viên có khả năng nhưng lương được trả chưa tương xứng, và sinh viên ra trường còn thiếu những kĩ năng cần thiết mà các công ty đa quốc gia tìm kiếm. Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, theo AmCham Chính phủ nên có thêm nhiều hành động để hiện đại hóa và nâng cấp chương trình giáo dục quốc gia, đặc biệt ở cấp độ đại học và trung cấp. Điều này sẽ đảm bảo Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động lành nghề với các quản lý, kĩ sư và kĩ thuật viên máy móc giúp nâng cao chuỗi giá trị trong bối cảnh chi phí lao động đang ngày càng tăng lên.
AmCham và các công ty thành viên cho biết, quan tâm sâu sắc tới các chương trình giáo dục ở Việt Nam và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp nền giáo dục tốt hơn cho trẻ em và lực lượng lao động của đất nước.
Bích Diệp