1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi

Tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, khách hàng sẽ được bảo hiểm với mức tối đa là 50 triệu đồng, thay vì 30 triệu đồng như trước đây. Số tiền bảo hiểm này được trả cho tất cả các khoản bao gồm cả gốc và lãi của người gửi tiền.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 109 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 89 về bảo hiểm tiền gửi, do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành hôm 24/8.

Cũng theo Nghị định 109, tham gia bảo hiểm tiền gửi là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tổ chức tín dụng và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân. Các đơn vị này phải niêm yết công khai về việc tham gia bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở và các địa điểm giao dịch của mình.

Trong trường hợp các ngân hàng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nếu việc giải thể, phá sản có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, cơ quan bảo hiểm tiền gửi có thể hỗ trợ bằng cách cho vay, bảo lãnh, mua lại nợ của các đơn vị này.

Đối với các trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn, bảo hiểm tiền gửi sẽ có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền với mức tối đa kể trên. Thời hạn chi trả là trong vòng 60 ngày kể từ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng chấm dứt giao dịch để tiến hành thanh lý tài sản hoặc kể từ ngày tòa án thông báo quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản. Nếu số tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) vượt quá mức 50 triệu đồng, khách hàng sẽ được nhận phần tài sản còn lại của mình trong quá trình thanh lý ngân hàng.

Sau thời gian 10 năm kể từ ngày tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo đầu tiên về việc chi trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi và người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không còn quyền đòi tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả số tiền bảo hiểm đó.

Trong trường hợp vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn hoặc để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, cơ quan bảo hiểm tiền gửi có thể vay hoặc tiếp nhận vốn hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ, phát hành trái phiếu hay vay của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ.

Theo Song Linh
Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm