Nâng cao chất lượng lao động địa phương nhờ chính sách bản địa hóa
(Dân trí) - Xu hướng "bản địa hóa" lao động trong các doanh nghiệp FDI đang tạo tạo cơ hội cho hàng nghìn người dân bản địa phát triển kỹ năng, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam đã và đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Tốc độ tăng lao động trong giai đoạn 2005-2017 bình quân tăng 7,72%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng lao động trong toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.
Làn sóng FDI đổ vào Việt Nam đã tạo ra không ít tác động tích cực đến thị trường lao động tại địa phương. Nhờ tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI, lao động địa phương có cơ hội được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nhờ đó nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn.
Nhiều doanh nghiệp đã tin tưởng và chủ động sử dụng nguồn nhân lực trong nước cho các vị trí quan trọng, thay thế cho đội ngũ chuyên gia nước ngoài của chính doanh nghiệp.
Rời TPHCM về Hậu Giang ứng tuyển vào công ty Giấy Lee & Man Việt Nam, chị Võ Thị Thủy, Chủ nhiệm bộ phận Hậu cần, đã chứng kiến những thay đổi của công ty từ khi thuở "sơ khai" và gắn bó mật thiết với những con người nơi đây.
"Hơn 10 năm qua, tôi học hỏi được rất nhiều thứ về kinh nghiệm quản lý và làm việc từ ban lãnh đạo, từ anh chị em đồng nghiệp. Tôi cảm nhận được sự phát triển của bản thân qua từng ngày", chị Thủy nói.
Công ty tạo điều kiện cho nhân viên có thể đi học hỏi thêm các khóa liên quan đến vị trí công tác để nâng cao kiến thức. Chẳng hạn hiện tại tôi làm bên ký túc xá, lúc trước bỡ ngỡ chưa biết cách quản lý thế nào, bố trí ra sao, sắp xếp thế nào cho phù hợp hoặc dọn như thế nào để sạch sẽ thì có ban lãnh đạo hướng dẫn.
Nói về sự thay đổi của công ty, chị Thủy chia sẻ từ chỗ chỉ hơn trăm nhân sự, sau 13 năm công ty đã quy tụ hơn 1.000 anh chị em lao động. Dù vậy, sự tôn trọng, gắn bó giữa các nhân sự chưa bao giờ thay đổi.
"Ban lãnh đạo rất gần gũi với nhân viên, họ có tâm nguyện chia sẻ, hướng dẫn cho nhân viên cách làm việc để làm sao đạt hiệu quả, tăng phúc lợi cho nhân viên của họ", chị Thủy nói thêm.
Là một công ty vốn nước ngoài, thừa hưởng công nghệ và dây chuyền sản xuất từ tập đoàn mẹ tại Hong Kong, song trước bài toán nhân lực, Lee & Man Việt Nam vẫn chọn lựa chiến lược "bản địa hóa": đưa người Việt trở thành lực lượng lao động chủ đạo, song song cùng cất nhắc các nhân sự địa phương nắm giữ vị trí lãnh đạo.
Thực tế, "bản địa hóa" vốn không phải là một thuật ngữ xa lạ trong nhóm ngành dịch vụ, khách sạn. Tuy nhiên, chính sách này đã và đang được mở rộng sang nhóm ngành công nghiệp khi dịch Covid -19 đặt ra một thách thức mới cho các doanh nghiệp ngoại trong việc trao đổi và di chuyển nhân sự và chuyên gia nước ngoài (expat) giữa các quốc gia.
Từ những ngày đầu tới Việt Nam, ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã lên kế hoạch để có thể tăng tỷ lệ nhân sự nội địa hóa đạt 50-60% ngay trong 3 năm đầu vận hành.
Khi được hỏi về nguyên nhân của quyết định này, ông thẳng thắn chia sẻ: "Một trong những điều chúng tôi quan tâm nhất khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam là nguồn nhân lực, cả về số lượng lẫn kỹ năng bởi tôi tin rằng nhà máy chỉ có thể thành công khi được vận hành bởi những con người địa phương, những người am hiểu từng cành cây, chiếc lá trên vùng đất này."
Chiến lược bản địa hóa nhân sự không chỉ tạo cơ hội cho người dân bản địa phát triển kỹ năng, nâng cao thu nhập mà còn giúp công ty nhanh chóng thích nghi, tăng trưởng và phát triển kinh doanh tại vùng đất mới.
Năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Lee & Man Việt Nam được duy trì ổn định, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Hậu Giang, đưa tỉnh nhà vươn lên dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mức tăng hơn 4,5%.