Năm 2017 - Một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu
(Dân trí) - Năm 2017, đánh dấu những bước chuyển mình tích cực trong công tác hội nhập
Đây được xem là tiền đề thuận lợi để ngành phát triển và ghi điểm trong năm 2018.
Đặc biệt thành công của xuất khẩu
Bước vào năm 2017, bối cảnh và điều kiện để thực hiện kế hoạch phát triển của ngành Công Thương đã có cả nhiều yếu tố thuận lợi.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, yếu tố cơ bản nhất là tinh thần đổi mới, sáng tạo và niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đã được nâng lên và lan tỏa rộng rãi. Cùng với đó là sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nguồn lực phát triển trong toàn xã hội trên tinh thần của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đã được Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và theo sát ngay từ những ngày đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV. Qua đó, năm 2017, kinh tế cả nước tăng trưởng vững vàng, các chỉ số vĩ mô tiếp tục được bảo đảm ổn định.
Thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành, năm 2017 ngành Công Thương đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Theo đó, tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương đều đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt khá ngoạn mục đã đóng góp tích cực vào kết quả đạt được trong bức tranh kinh tế chung của cả nước năm 2017.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã vượt khó, khẳng định được vai trò là trụ đỡ và là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Một điểm nhấn đặc biệt trong năm 2017 của ngành Công Thương không thể không nhắc đến sự thành công rực rỡ của xuất khẩu. Bằng chứng, lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đã đạt 213,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã tiếp tục gia nhập danh sách mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD như thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, xăng dầu, cao su,... Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước.
Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng tăng 31,1%, sang thị trường ASEAN tăng 24,3%, sang thị trường Nhật Bản tăng 14,2%... Ngoài ra, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU... đều được giữ vững, hoặc thậm chí có mức tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%.
Bên cạnh đó, năm 2017 ta cũng đã bảo đảm quản lý, kiểm soát tốt khâu nhập khẩu, qua đó đã tạo thặng dư thương mại ở mức 2,7 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước. Đồng thời, cơ cấu nhập khẩu tiếp tục được bảo đảm và dịch chuyển tích cực, theo hướng trọng tâm vào phục vụ sản xuất trong nước.
Tính chung cả năm 2017, kim ngạch nhập khẩu của nhóm cần nhập khẩu chiếm 89,3% trong kim ngạch nhập khẩu và tăng 21,9% so với năm 2016, nhập khẩu của nhóm cần kiểm soát nhập khẩu chỉ còn chiếm 5,9% và tăng 8,9% so với năm 2016.
Thu gọn nhiều đầu mối đơn vị, xử lý các dự án yếu kém
Năm 2017 cũng là năm ghi nhận việc cải cách mạnh mẽ về tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, triển khai mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Cụ thể, từ cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc Bộ; thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương); xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%; cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính của Bộ (trong đó cắt giảm 49 TTHC, đơn giản hóa 134 TTHC); triển khai 154 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương; cùng với đó là thực hiện áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác trong cơ quan Bộ cũng như trong các đơn vị thuộc ngành Công Thương.
Về công tác thoái vốn, thực hiện cổ phần hóa, xắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ một cách thực chất. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có qui mô lớn, tính chất phức tạp trong công tác cổ phần hóa đã được tập trung xử lý có hiệu quả và đạt được kết quả khả quan như thoái vốn thành công tại Sabeco, chuẩn bị tiến hành thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, PVOil, PV Power...
Đối với công tác xử lý, giải quyết các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương bước đầu đạt kết quả tích cực ở một số dự án, các dự án khác đều có lộ trình và phương án xử lý cụ thể.
Sau 1 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã nỗ lực, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
Đến nay, 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ; các dự án khác đều có lộ trình xử lý cụ thể theo nguyên tắc thị trường, không kéo dài gây thiệt hại cho nhà nước.
Năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh
Bước vào năm 2018, xác định những khó khăn, thử thách là rất lớn, song thuận lợi có được cũng hết sức căn bản cho phát triển của ngành Công Thương.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương xác định năm 2018 sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.
Thứ 2 là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ba là, rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.
Năm là, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước.
Sáu là, thực hiện đổi mới một cách căn bản công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Bảy là, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước.
Tám là, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.
Chín là, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách thực chất.
Minh Anh