TS. Lê Xuân Nghĩa:
“Năm 2012, chính sách tiền tệ nên nới ra một chút”
(Dân trí)- Việc thặt chặt tiền tệ quá mức trong năm 2011 đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chỉ số công nghiệp giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, thị trường chứng khoán và bất động sản khó hồi phục trong thời gian ngắn…
Đánh giá về bức tranh ngành ngân hàng năm 2011, TS.Lê Xuân Nghĩa cho biết: 2011 là năm có những đặc điểm lớn, trong đó, nội dung quan trọng nhất là tập trung toàn bộ nguồn lực để chống lạm phát, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Với sự quyết liệt đó, chính sách tiền tệ đã “mạnh tay” trong việc giảm tăng trưởng tín dụng từ gần 30% trong năm 2010 xuống còn 10% năm 2011, tăng trưởng cung tiền từ 25% xuống còn 15%. Đây là năm đạt kỷ lục tăng trưởng cung tiền, tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 25 năm qua.
Năm 2011 cũng là năm cán cân thương mại, thặng dư dương nhờ tăng xuất khẩu, giảm sai sót trong cách tính (trong đó có việc giảm nhập khẩu vàng). Thắt chặt tiền tệ và thặng dư cán cân thanh toán quốc tế là nền tảng quan trọng trong việc ổn định tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại hối.
Ngoài ra, năm qua đã bước đầu bãi bỏ được một số quy định hành chính về quản lý tín dụng và thiết lập được kỷ cương trên lĩnh vực tiền tệ tín dụng, tạo điều kiện cho việc khôi phục lại lòng tin giữa các NHTM với nhau và với NHNN cũng như người dân.
Tuy nhiên, việc thặt chặt tiền tệ quá mức đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn?
Đúng vậy. Điểm rõ nhận thấy nhất của mặt trái chính sách tiền tệ thắt chặt năm 2011là chỉ số công nghiệp giảm mạnh từ 12% trong tháng 2 xuống còn 7% trong tháng 12 và đà suy giảm này vẫn còn tiếp tục; Hàng tồn kho còn lớn, tăng hơn 12% so với năm ngoái; thanh khoản của các ngân hàng gặp khó khăn rất lớn.
Thị trường bất động sản và chứng khoán cũng vì thế suy giảm rất mạnh. Khả năng phục hồi trong ngắn hạn rất ít. Điều này có thể dẫn tới nợ xấu của khu vực ngân hàng tăng rất nhanh và nhiều NHTM nhỏ tiếp tục rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Thị trường liên ngân hàng cũng vì thế mà gặp khó khăn lớn. Chưa bao giờ thị trường liên ngân hàng suy giảm lòng tin như bây giờ. Vay vốn trên thị trường liên ngân hàng phải thế chấp, nợ xấu cũng xuất hiện trên thị trường này, khiến toàn bộ hệ thống, không chỉ ngân hàng nhỏ mà cả các ngân hàng lớn cũng đang đứng trước những khó khăn về thanh khoản.
Tình trạng suy giảm tiền gửi của cả doanh nghiệp và dân cư vẫn còn tiếp diễn. Điều này cho thấy lòng tin vào hệ thống ngân hàng và những khó khăn lớn của doanh nghiệp để duy trì tài khoản ngân hàng suy giảm mạnh. Đây có thể là một trong những hệ lụy cho những tháng đầu năm 2012.
Vậy theo ông, chính sách tiền tệ năm 2012 cần phải điều hành như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo hướng thắt chặt nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu vốn của nền kinh tế?
Năm 2012 sẽ là năm với nhiều chính sách mới như bắt buộc các NHTM phải lập báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế, trích lập dự phòng rủi ro theo Điều 7 (Nghị quyết 493), công bố thông tin thường xuyên về hoạt động ngân hàng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng…
Năm 2012 Chính phủ cần phải làm nhiều việc, nhưng tập trung lớn nhất là việc phục hồi thanh khoản nền kinh tế, kể cả ngân hàng nhỏ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là thanh khoản về vốn lưu động. Ngoài ra cũng cần khôi phục thanh khoản của thị trường bất động sản và chứng khoán để hỗ trợ cho việc giảm nợ xấu của các NHTM, tái cấu trúc tài chính của các ngân hàng.
Vì vậy chính sách tiền tệ phải thực hiện theo hướng linh hoạt hơn nhưng vẫn đảo bảo được yêu cầu đặt ra, ví dụ như tiếp tục chính sách tỷ giá hối đoái căn bản ổn định, vừa để hỗ trợ đầu tư vừa để chống lạm phát. Năm 2012 chính sách tiền tệ nên “nới” ra một chút, để thành phần kinh tế dễ thở hơn.
Đặc biệt, năm 2012 đối với điều hành chính sách tiền tệ cần có ba thay đổi, đó là tăng trưởng tín dụng theo khả năng của từng ngân hàng, bỏ thực hiện Nghị định 141 về tăng vốn pháp định lên 3000 tỷ đồng và bỏ trần lãi suất huy động để giảm bớt áp lực cho các ngân hàng nhỏ, giảm bớt áp lực tài trợ thanh khoản của NHNN.
Điều kiện tăng trưởng tín dụng theo khả năng của từng ngân hàng, cụ thể là gì, thưa ông?
Đối với tăng trưởng tín dụng, NHNN nên cho phép các ngân hàng tăng trưởng tín dụng thoải mái nhưng phải đảm bảo được các chỉ số an toàn, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ an toàn vốn tự có CAR phải đạt 8%. Hiện các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện tăng trưởng tín dụng theo Ủy ban Basel, có nghĩa là được cho vay thoải mại nhưng phải tuân thủ theo nguyên tắc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR là 8% của ngân hàng mẹ. Còn các ngân hàng Việt Nam thì ngược lại. Trong khi tổng tài sản thì vẫn tăng ầm ầm nhưng tỷ lệ an toàn vốn lại tụt xuống, có ngân hàng còn 6% nhưng vẫn được chấp nhận.
Về điều này, cơ quan quản lý cần phải quy định nếu ngân hàng nào không tăng vốn tự có thì không được tăng tổng tài sản và luôn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn 8% theo Ủy ban Basel. Như vậy, NHNN có thể bỏ nguyên tắc quản lý theo biện pháp hành chính theo kiểu “già trẻ đều phải ăn 2 bát cơm trong ngày” mà điều hành theo nguyên tắc thị trường theo hướng ngân hàng có thể tăng thoải mái, có thể lên 40%, nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn 8% trong khi có ngân hàng tăng 5% nhưng không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tự có thì cũng không được.
- Xin cám ơn ông!
Hiền Minh (ghi)