Năm 2009, Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng 6,5%
(Dân trí) - Theo nhận định của ông Shogo Ishii, Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam thì năm 2009 mặc dù lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh chóng nhưng nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thấp hơn mục tiêu 6,5% như đã đặt ra trước đó.
Tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sáng 4/12, trong báo cáo của mình IMF dự báo trong năm 2009, Việt Nam có thể tăng trưởng chỉ ở khoảng 5%. Trong đó lạm phát sẽ lùi về dưới 10% vào cuối năm 2009.
Trước đó, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11 vừa qua, Việt Nam dự kiến tăng trưởng đạt mức 6,5% trong năm 2009. Mục tiêu này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại một lần nữa trong bài phát biểu khai mạc trước đó của mình.
IFM cũng khuyến cáo Việt Nam cần giám sát chặt chẽ hoạt động của các Doanh nghiệp nhà nước và hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đồng thời với việc này phải nâng cao hơn nữa chất lượng dữ liệu thông tin đưa tới các nhà hoạch định chính sách để có được những quyết sách và mục tiêu phù hợp.
IMF cũng nhận định về khả năng suy giảm kinh tế bởi xuất khẩu, FDI, kiều hối - vốn đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam - sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới.
Vấn đề của Việt Nam là phải làm sao xây dựng được các chính sách vĩ mô phù hợp và cân bằng được các rủi ro đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ nội tại của nền kinh tế. Ngân hàng nhà nước cũng cần thận trọng cân nhắc lựa chọn ưu tiên giữa ổn định và tăng trưởng trong các quyết sách của mình.
Cũng theo ông Shogo Ishii, hiện kinh tế thế giới khó lường trước và các dự báo cũng có thể thay đổi theo. Vì thế, mục tiêu về kinh tế của các chính phủ cũng nên thích ứng với các điều kiện đã thay đổi. IMF đề xuất các chính sách tiền tệ nên được thực hiện một cách thận trọng và việc điều hành chính sách tỷ giá cũng nên linh hoạt.
Phát biểu kết luận, đại diện IMF vẫn bày tỏ tin tưởng: “Bất chấp những khó khăn kinh tế toàn cầu, triển vọng về trung hạn và dài hạn của kinh tế Việt Nam vẫn còn rất sáng sủa khi Việt Nam cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục công cuộc cải cách của mình”.
Báo cáo tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Chính phủ thừa nhận tuy tình hình giải ngân nguồn vốn ODA của Việt Nam trong thời gian qua đã được cải thiện nhưng mức giải ngân vẫn thấp hơn mức trung bình khu vực và quốc tế. Cụ thể thì đối với vốn của Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ giải ngân của ta chỉ đạt 11,6% so với mức 19,4% của khu vực hay với vốn Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), tỷ lệ giải ngân của ta chỉ đạt 13,6% so với mức 16,6% của quốc tế. Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam trong 3 năm 2006-2008 đạt mức 13.62 tỷ USD. |
Đức Cát