Năm 2009 khó xảy ra những cơn sốt giá

(Dân trí) - Một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng... tăng giá đang khiến người dân lo lắng "phản ứng dây chuyền" trong tiêu dùng. Tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế thì vẫn lạc quan cho rằng khó có thể xảy ra những cơn sốt giá như năm 2008.

Năm 2009 khó xảy ra những cơn sốt giá - 1
Năm 2009, khó xảy ra những cơn sốt giá thị trường.
 
Thận trọng với nguy cơ tái lạm phát
 
Cảnh báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), về trung hạn thách thức của Việt Nam là thúc đẩy tăng trưởng mà không làm tăng lạm phát hoặc tăng thâm hụt tài khoản vãng lai.
 
Khẳng định của những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay đều đưa ra cảnh báo rằng tuy năm 2008, Chính phủ đã thành công trong việc chống lạm phát, nhưng nguyên nhân sâu xa chưa khắc phục được nên nguy cơ lạm phát vì thế vẫn đang tiếp tục tồn tại.
 
Nhìn nhận về điều này, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, có phân tích, chỉ số CPI 3 tháng đầu năm 2009 của Việt Nam chỉ tăng 1,32% so với tháng 12/2008, trong đó riêng tháng 3/2009 giảm 0,17% so với tháng 2, nguyên nhân do sức cầu giảm.
 
Chỉ số này cho thấy, sức sản xuất chưa thể tăng trong quý II/2009, vì tín hiệu sức mua thị trường chưa tăng và có độ trễ trong sản xuất. Nếu so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái thì gọi là thiểu phát, nhưng về bản chất sự tăng đó cũng có thể gọi là nền kinh tế vẫn còn đang trong tình trạng lạm phát nhẹ (dưới 5%/tháng).
 
Dẫn đến tình trạng này, ngoài nguyên nhân trực tiếp do yếu tố tiền tệ còn có nguyên nhân xuất phát từ cơ cấu kinh tế, do hiệu quả đầu tư thấp, nền kinh tế hướng về xuất khẩu nhưng chủ yếu dựa vào gia công. Vì thế, nếu tiếp tục đầu tư kém hiệu quả như hiện nay, nguy cơ tái lạm phát có thể đến vào bất cứ lúc nào.
 
Cùng đó, nếu không kiểm soát được lượng tín dụng đúng mục đích vay và lượng vốn đầu tư từ ngân sách có hiệu quả thì sẽ tăng nguy cơ lạm phát.
 
Việt Nam có đủ điều kiện để kiểm soát CPI
 
Một câu hỏi đang được đặt ra là nền kinh tế Việt Nam liệu có rơi vào nguy cơ vừa lạm phát vừa suy thoái?
 
Thông qua cách điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ hiện nay, giới chuyên gia có đưa ra nhận định rằng không thể xảy ra vừa lạm phát vừa trì trệ. Tuy nhiên, việc sử dụng các gói kích cầu, nếu không thận trọng vẫn có thể sẽ gây nên lạm phát.
 
Nhận định của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, cần thận trọng với gói kích cầu, không vì hoàn cảnh khó khăn mà thả lỏng điều kiện. Các nước chi gói kích cầu lớn nhưng cũng siết rất chặt.
 
“Tăng mạnh chi tiêu, phát hành trái phiếu phải tính giải pháp đi kèm để kiềm chế lạm phát. Nếu tính khả năng thoát khỏi suy thoái sớm thì cũng phải tính phương án đối phó với lạm phát sớm” - ông Thiên cho hay.
 
Để chống suy giảm kinh tế, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tung ra các gói kích cầu. Theo thống kê ban đầu, các gói giải pháp để cứu các nền kinh tế của các nước có tổng giá trị là 8.500 tỷ USD - tương đương 15% GDP toàn cầu. Hội nghị G.20 đã có sự đồng thuận cao của các Chính phủ và các định chế tài chính quốc tế, bổ sung 1.150 tỷ USD.
 
Việc Chính phủ các nước ồ ạt tung ra các gói kích cầu như vậy có thể dẫn đến tình trạng nền kinh tế thế giới sẽ lâm vào tình trạng tái lạm phát do lượng tiền bơm ra thái quá, không hiệu quả.
 
Tại Việt Nam, nguy cơ này cũng không là ngoại lệ. Theo khuyến cáo của TS Trần Du Lịch, Chính phủ phải điều hành được Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ tiền tệ như “bộ phanh” để phòng ngừa nguy cơ tái lạm phát.
 
“Chế tài nghiêm có tính chất răn đe đối với các ngân hàng thương mại “xé rào”để trục lợi, thông qua chính sách hỗ trợ tín dụng. Do tình hình thế giới diễn biến rất nhanh nên cần có dự báo sớm để điều chỉnh chính sách linh hoạt” - TS Lịch nhận định.
 

“Xét trên quan hệ giữa các yếu tố của tổng cung và tổng cầu, thì Việt Nam đang có điều kiện để kiểm soát chỉ số CPI năm 2009, trừ khi xảy ra những cơn sốt giá mới trên thị trường thế giới, mà tình huống sốt giá này rất ít có khả năng xảy ra” - TS Trần Du Lịch.

“Khi Chính phủ tăng mạnh chi tiêu, phát hành trái phiếu, phải tính giải pháp đi kèm để kiềm chế lạm phát. Nếu tính khả năng thoát khỏi suy thoái sớm thì cũng phải tính phương án đối phó với lạm phát sớm” - Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên.

 
Đoàn Trần