Năm 2007: Giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tăng
Bộ Tài chính cho biết năm 2007 công tác điều hành giá của Chính phủ sẽ theo nguyên tắc thị trường. Chính phủ sẽ không bù lỗ đối với một số mặt hàng do vậy giá cả phải điều chỉnh sao cho không bị lỗ giá thành.
Điện: tăng giá 7,6%
Theo phương án tăng giá điện 2006 - 2010 vừa được Chính phủ thông qua, từ 1/1/2007, giá điện bình quân tăng lên 842 đồng/kWh, cao hơn 7,6% so với hiện hành. Chính phủ cũng quyết định giá điện sản xuất giờ thấp điểm và bình thường không tăng, chỉ tăng 20% giờ cao điểm.
Với khối hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ, mức tăng là 12-14%.Điện sinh hoạt nông thôn tiếp tục tăng áp dụng cơ chế giá tần 700 đ/kWh như hiện nay. Các ngành sản xuất đặc thù như luyện thép, sản xuất nước sạch, urê sẽ thực hiện ngay việc xoác bỏ trợ giá điện từ 1/1/2007.
Theo lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2006 - 2010, sau bước 1 thực hiện từ /1/2007 tới, giá điện bình quân sẽ tăng lên 890 đồng/kWh từ 1/7/2008, năm 2010 sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh theo biến động của giá phát điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Than: giá tăng 20%
Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, mức giá than hiện hành vẫn thấp hơn giá thành. Do vậy, từ tháng 1/2007, giá bán than đối với 4 hộ tiêu thụ lớn là điện, xi măng, phân bón, giấy sẽ được điều chỉnh tăng lên.
Mức tăng đề xuất là: than bán cho sản xuất giấy tăng 20%, bán cho phân bón tăng 20%, bán cho xi măng cần tổ chức hiệp thương tiếp và dự kiến cũng tăng khoảng 20%…
Giấy: Giá có thể tăng tới 5%
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam dự báo năm 2007, giá giấy báo cũ và giấy thải hỗn hợp ở thị trường trong nước có khả năng tăng 5%, riêng bột giấy tới 15%. Do giá nguyên liệu trên thị trường thế giới và chi phí đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên mức tăng này có thể cao hơn nữa nếu cả hai loại đầu vào của sản xuất giấy là điện và than cùng tăng giá vào thời điểm đầu tháng 1/2007. Bởi chỉ tính riêng việc tăng giá than thêm 20%, chi phí sản xuất giấy tăng tương ứng khoảng 6,5%-8%.
Tuy nhiên, các loại giấy bao bì sẽ không tăng giá nhiều vì sử dụng nguyên liệu thu gom trong nước và một phần nhập khẩu có giá ổn định. Các loại giấy khác chịu ảnh hưởng nhiều của những biến động về giá bột và giấy phế thải nên mức tăng sẽ cao hơn.
Phân bón: giá tăng từ 3% trở lên
Phân bón là một trong những ngành sản xuất chịu sức ép từ việc tăng giá điện và than. Theo tính toán, giá điện tăng thêm 7,6% sẽ khiến đầu vào sản xuất phân bón tăng khoảng 8-9%. Bên cạnh đó, giá than bán cho sản xuất phân bón sẽ tăng 20% (trong khi giá than chiếm tới 25-45% giá thành sản xuất phân bón) nên việc tăng giá sản phẩm này là khó tránh khỏi.
Theo Tổng Công ty hoá chất Việt Nam (VINACHEM), ngay đầu năm 2007, các loại phân lân và NPK sẽ được tăng giá khoảng 3%; giá đạm có thể chưa phải tăng ngay vì ít bị ảnh hưởng hơn do nguyên liệu đầu vào dùng than cám.
Tuy nhiên, mức giá này sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh tăng do giá than cho sản xuất phân bón sẽ vẫn tiếp tục tăng để đến cuối năm 2007 việc mua bán than sẽ thực hiện theo giá thị trường. Nếu điều này xảy ra thì giá than dành cho sản xuất phân bón thời gian tới sẽ lên cao gần gấp đôi hiện nay và giá phân bón sẽ bị tác động lớn.
Dự báo, giá phân bón nhập khẩu có xu hướng tăng trong quý I/2007. Lượng urê chào trên hầu hết các thị trường nhìn chung đều khá ít.
Thép, xi măng chắc chắn tăng giá
Với mức tăng giá bán điện và than theo kế hoạch trong năm 2007, giá thành của thép sẽ tăng từ 0,6-1%. Bên cạnh đó, giá phôi thép nhập khẩu trong năm 2007 vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên, giá thép sẽ không tăng mạnh do thép trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với thép Trung Quốc có giá rẻ hơn.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu thực hiện các phương án điều chỉnh giá bán than và điện - hai nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng. Theo tính toán, bình quân mỗi tấn xi măng sẽ phải tăng chi phí sản xuất thêm khoảng 30.000 đồng. Vì vậy, ngành xi măng cũng đề nghị được điều chỉnh giá bán xi măng trong nước để đảm bảo có tích luỹ phục vụ tái đầu tư.
Theo T.L
VnMedia