Mỹ lo ngại Trung Quốc cho các nước nghèo vay bạt mạng bất chấp khả năng trả nợ thấp
(Dân trí) - Hoa Kỳ, Ấn Độ và một số quốc gia khác đang nêu lên mối lo ngại về Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) khi Trung Quốc đã cho các nước nhỏ hơn vay các khoản tiền lớn để đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng mà không xem xét khả năng trả nợ của họ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại phản bác lại rằng BRI không phải bẫy nợ hay có ý muốn thâu tóm quyền lực.
BRI của Trung Quốc không phải là một cái bẫy nợ hay có ý đồ bá quyền khu vực vì sáng kiến trị giá hàng tỷ USD này đã mang lại sự phát triển kinh tế và hy vọng cho những nước tham gia, một quan chức hàng đầu của Trung Quốc cho biết.
Được quảng cáo là dự án đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tập trung vào việc cải thiện kết nối và hợp tác giữa các nước châu Á, Châu Phi, Trung Quốc và Châu Âu.
Ông Guo Weimin, phát ngôn viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đã bảo vệ mạnh mẽ cho dự án “con cưng” này của ông Tập, điều này đã gây lo ngại sau khi Trung Quốc thuê cảng Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm như một sự hoán đổi cho khoản nợ cho một dự án thuộc BRI tại nước này.
Do đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ và một số quốc gia khác nêu lên mối lo ngại về BRI khi Trung Quốc đã cho các nước nhỏ hơn vay các khoản vay khổng lồ cho các dự án cơ sở hạ tầng mà không xem xét khả năng trả nợ của họ.
Pakistan đã tuyên bố cắt giảm một số dự án để giảm gánh nặng nợ nần.
Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn hợp tác quốc tế BRI lần thứ hai vào tháng tới, trong đó một số nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là từ Pakistan, dự kiến sẽ có mặt.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã tẩy chay diễn đàn này vào năm ngoái và Trung Quốc rất muốn Ấn Độ tham dự trong diễn đàn năm nay để mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện.
Trả lời câu hỏi về những lo ngại bẫy nợ và quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc khi sử dụng các dự án BRI, ông Guo nói rằng BRI đã mang lại sự phát triển và hy vọng cho những quốc gia tham gia.
“Vấn đề nợ của một số nước đang phát triển được tạo ra bởi những lý do lịch sử phức tạp. Sáng kiến này không liên quan gì đến chủ nghĩa bá quyền khu vực. Với việc chủ động phát triển, Trung Quốc đang giành được nhiều bạn bè hơn”, ông Guo nói.
Guo cũng ca ngợi sự tiến bộ tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ để chấm dứt chiến tranh thương mại.
Đạt được thỏa thuận cùng có lợi càng sớm càng tốt sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai nước, mà còn là tin tốt cho nền kinh tế thế giới, ông nói.
"Tiến bộ đáng kể đã được thực hiện đối với các vấn đề cụ thể như chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, ngành dịch vụ, nông nghiệp và tỷ giá hối đoái", Guo nói thêm.
Hồng Vân (Tổng hợp)