1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mỹ có nguy cơ bị EU trả đũa thương mại

Mỹ đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hoãn áp dụng trừng phạt thương mại đối với hàng hóa Mỹ xuất sang châu lục này, sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết khẳng định Mỹ vẫn chưa chấm dứt việc hoàn thuế - biện pháp bảo hộ cho các nhà xuất khẩu trong nước.

Hội đồng trọng tài WTO đã bác bỏ đơn kháng án của Mỹ đối với phán quyết ngày 30/9/05 của tổ chức này; đồng thời cáo buộc Quốc hội Mỹ phớt lờ lệnh của WTO về việc chấm dứt hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thay vào đó, Quốc hội Mỹ chỉ bỏ phiếu thông qua việc loại bỏ dần dần biện pháp bảo hộ mậu dịch này cho tới cuối năm 2006.

Ủy viên Thương mại EU, Peter Mandelson, cho biết Mỹ sẽ có 3 tháng để triển khai những biện pháp cụ thể nhằm tránh nguy cơ bị EU trả đũa thương mại, có thể lên tới 4 tỷ USD/năm.

Theo ông Mandelson, EU sẽ không chấp nhận một chế độ thuế tạo quá nhiều lợi thế cạnh tranh không công bằng cho 6.000 doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ, trong đó có cả các đại gia như Microsoft Corp, General Electric Co. Đơn cử hãng sản xuất máy bay Boeing có thể được lợi tới 750 triệu euro trong vòng 10 năm tới và riêng năm 2005 đã thu lợi 150 triệu euro.

Chính vì vậy, EU sẽ tìm mọi cách để tái lập một sân chơi bình đẳng trên thị trường quốc tế. EU dự kiến sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu 14% đối với các mặt hàng giấy, gỗ, đồ trang sức, quần áo của Mỹ. Biểu thuế này sẽ tăng thêm 1%/tháng để đạt mức tối đa là 17%. Đây được coi là vụ trả đũa và trừng phạt thương mại lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử WTO.

Phản ứng trước phán quyết này của WTO, Thượng nghị sỹ Charles Grassley, Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ đề nghị Quốc hội nước này xem xét lại đạo luật liên quan tới vấn đề hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Năm 2002, WTO đã bật đèn xanh cho EU trừng phạt hàng hoá Mỹ lên tới 3,4 tỷ euro USD, nhưng Brúcxen mới chỉ trừng phạt 252 triệu euro và sau đó đã tạm ngừng thực hiện từ 1/1/05.

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm