Mỹ, châu Âu ngập trong nợ nần

(Dân trí) - Tổng thống Obama đưa ra đề xuất kế hoạch ngân sách 3.800 tỷ USD, mức thâm hụt ngân sách dự kiến là 1.600 tỷ USD. Thế nhưng Mỹ không phải là thành viên duy nhất trong câu lạc bộ “vay trước, trả sau”.

Mỹ, châu Âu ngập trong nợ nần - 1
Kinh tế thế giới đã qua vùng đáy nhưng chưa phục hồi ổn định.
 
Trên khắp châu Âu, chính phủ các nước đã quen với việc vay nợ trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều chuyên gia đang đặt câu hỏi lớn về việc đến khi nào thì những nước này có thể cân bằng được ngân sách.

Mức thâm hụt ngân sách theo đề xuất của Tổng thống Obama tương đương khoảng 11% GDP. Việc giảm thâm hụt ngân sách là một phần trong chương trình 10 năm giảm thâm hụt từ mức hiện tại xuống mức trung bình hàng năm là 3,6% nếu mọi chuyện ổn định.

Mức thâm hụt ngân sách tại châu Âu có thể thấp hơn thế nhưng vẫn là yếu tố khiến nhiều chuyên gia lo lắng chính phủ nhiều nước có thể sẽ chìm trong nợ nần.

Hiện 20/27 nước thuộc Liên minh châu Âu đang phải chịu thâm hụt ngân sách để có tiền cứu kinh tế khỏi suy thoái, mức trung bình năm 2010 khoảng 7,5%.

3 năm trước, mức thâm hụt chỉ khoảng 0,8% GDP. Con số này năm 2008 là 2,3% và đến năm 2009 là 6,9%. Điều tệ nhất chính là thâm hụt ngân sách trong nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu nơi mức cho phép chỉ là 3% hiện đang tăng nhanh.

Ngưỡng này đã bị phá vỡ từ trước khi khủng hoảng tài chính bắt đầu và mọi chuyện tiếp tục như vậy sau khủng hoảng. Tính tổng, nhóm nước châu Âu dành nhiều tỷ USD cứu hệ thống ngân hàng và khoảng hơn 200 tỷ USD cho các kế hoạch kích cầu để hồi sinh nền kinh tế.

Dù kế hoạch kích cầu cứu kinh tế châu Âu khỏi suy thoái ở thời điểm giữa năm 2009, tiền chi tiêu quá nhiều cho kế hoạch này đẩy mức thâm hụt lên cao, Hy Lạp và Tây Ban Nha tiến gần hơn đến khả năng vỡ nợ.

Cuối năm ngoái, Ủy ban châu Âu công bố danh sách một loạt các nước hiện đang tiềm ẩn những rủi ro tương tự, trong đó có Pháp và Ireland.

Chuyên gia kinh tế Marc Touati, phó giám đốc tổ chức dịch vụ tài chính Global Equities, nhận xét: “Vấn đề đơn giản ở chỗ nếu là một cá nhân, nếu mức độ nợ lên khoảng 70%, 80% hay 90% thu nhập, khả năng vỡ nợ rất gần”.

Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp hiện ở mức 13%, cao gấp 4 lần so với mức trần 3% của Ủy ban châu Âu. Tây Ban Nha cũng đang có kế hoạch giảm thâm hụt từ 11,4% xuống mức 3% vào năm 2013 dù Tây Ban Nha hiện đang “đau đầu” với tỷ lệ thất nghiệp 19%.

Tháng trước, quan chức kinh tế Pháp đã cố gắng tỏ ra lạc quan khi họ thông báo thâm hụt ngân sách nước này năm 2009 là 7,9%, thấp hơn dự báo 8,2% và dự kiến duy trì mức này trong suốt cả năm.

Dưới áp lực từ Liên minh châu Âu, Pháp cũng tuyên bố giảm thâm hụt xuống dưới mức 3% vào năm 2013 dù cơ sở giảm thâm hụt ngân sách được tính toán dựa trên mức tăng trưởng ít nhất 2,5%.

Việc hiện thực hóa những mục tiêu này sẽ đương đầu với nhiều khó khăn hơn khi chính phủ Pháp vẫn tiếp tục giảm thuế  cho doanh nghiệp, bơm tiền vào nền kinh tế.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng phải chịu thâm hụt ngân sách ở mức 4% năm 2009 cho đến gần 5% trong năm 2010.

Ông Eric Grémont, người đồng sáng lập cơ quan nghiên cứu Politico - Economic Observatory of Capitalistic Structures, nhận xét: “Quy mô của kinh tế châu Âu không lớn như Mỹ vì thế mức độ nợ không cao như vậy. Thế nhưng khi nợ lên mức quá cao và việc mất khả năng trả nợ gần hơn, mọi thứ có thể sụp đổ”.

Để ngăn điều này, nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ các nước châu Âu nên ngưng có biện pháp giúp tăng trưởng kinh tế sớm trở lại bình thường.

Minh Tuấn
Theo Time