Muôn mặt thời thị trường “đóng băng”
(Dân trí) - Không chỉ giảm giá, giãn tiến độ đầu tư, thị trường BĐS thời đóng băng còn ghi nhận những động thái khác của doanh nghiệp như trả nợ sớm cho ngân hàng, hay trả sản phẩm cho các nhà thầu thay cho tiền mặt… và những rủi ro khi khách hàng đòi tiền.
Trả nợ ngân hàng để giảm chi phí lãi suất
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cách dừng, hoãn, giãn tiến độ dự án. Song cũng có doanh nghiệp lại lo đi trả nợ ngân hàng vì theo họ đây là cách xử lý khôn ngoan nhất trong lúc này.
Điển hình là công ty CP Sông Đà Thăng Long vừa đưa ra quyết định trả nợ 1.400 tỷ đồng vay ngân hàng. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc công ty CP Sông Đà Thăng Long lý giải rằng, thực tế cho thấy nhiều dự án dừng triển khai không phải vì doanh nghiệp không muốn làm mà vì không thể nào tiếp cận được nguồn vốn vay. Bởi vậy, những doanh nghiệp nào có tiềm lực tài chính mạnh sẽ có lợi thế rất nhiều so với các doanh nghiệp đang phải đi vay ngân hàng hiện nay.
Ngoài ra, theo ông Dũng việc trả nợ vay giúp công ty giảm được chi phí tài chính xuống mức thấp nhất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều tiền là trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang khiến giá thành sản phẩm đội lên mức 40-45%.
Để cùng nhau chia sẻ khó khăn, trong hàng loạt những biện pháp được đề cập đến, hiện nay lại có nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc đến việc thỏa thuận với đối tác của mình để trả sản phẩm cho họ khi hoàn thiện dự án thay vì phải trả bằng tiền mặt đối với các hợp đồng liên quan như nhà thầu, nhà cung cấp, nhà tư vấn…
Giãn tiến độ dự án: Thận trọng
Với lãi suất đầu ra hiện nay, kinh doanh BĐS không thể hiệu quả. Tuy nhiên quan trọng hơn hiệu quả là tính thanh khoản của thị trường. Đối với nhà sản xuất, không có gì đáng sợ bằng hàng hóa làm ra mà không bán được.
Với các chủ đầu tư dự án nhà đất, đất nền, biệt thự, căn hộ đang không tìm được người mua. Nói một cách khác, đồng vốn đang “chết” trong BĐS, nhưng nó lại không “chết” với ngân hàng, bởi cứ đến hạn ngân hàng đòi cả vốn lẫn lãi.
Theo thống kê cuối năm 2010, dư nợ tín dụng đối với BĐS là 235.000 tỉ đồng, còn hiện nay dư nợ ở mức 222.000 tỉ đồng, trong đó, TPHCM khoảng 95.000 tỉ đồng.
Ngoài việc thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước còn đưa ra chính sách hạn chế tín dụng BĐS khi xếp loại tín dụng BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất, hạn chế tăng trưởng tín dụng khu vực này là 16% (từ 31/12/2011). Hậu quả là thị trường mất tính thanh khoản, nợ xấu lĩnh vực này liên tục tăng lên.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố chỉ có 5 dự án được khởi công, đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay.
Vì khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, đình hoãn hoặc giãn tiến độ dự án, tinh giản bộ máy, đặc biệt xuất hiện nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Dự báo cho đến hết năm, thị trường BĐS sẽ cực kỳ khó khăn, một số doanh nghiệp có thể bị phá sản.
Trong lúc BĐS đóng băng, nhất là phân khúc chung cư, thị trường đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền, một số dự án chủ đầu tư rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.
Điển hình như dự án Mê Kông Plaza nằm ở huyện Hoài Đức-Hà Nội do Công ty Cổ phần bất động sản Mê Kông làm chủ đầu tư đã được Công ty Cổ phần đầu tư tài chính và dịch vụ bất động sản Nam Phương (có thể hiểu là nhà đầu tư thứ cấp) quảng cáo rầm rộ hồi đầu năm 2010.
Do dự án kéo dài hơn so với dự kiến, hết hạn ký hợp đồng hợp tác vay vốn (từ 5/2010 đến 5/2011) giữa khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng không được thực hiện quyền mua nhà. Khi khách hàng yêu cầu trả lại tiền vay cùng với lãi suất thì công ty trả lời trên báo rằng khách hàng “không biết thông cảm” với công ty hiện đang rất khó khăn!?.
LH