Muốn hành nghề, chủ xưởng in phải có bằng cao đẳng là… không cần thiết!

(Dân trí) - Góp ý vào Dự thảo Nghị định về hoạt động in ấn được đưa ra lấy ý kiến, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, đặc biệt quy định chủ cơ sở in phải có bằng cao đẳng trở lên, hoặc 1 năm phải báo cáo hoạt động 2 lần/năm là không cần thiết... VCCI kiến nghị đưa ngành in ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trả lời công văn xin góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in, VCCI cho rằng một số quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, DN.

Nhiều nội dung trong Dự thảo sửa đổi Nghị định về ngành in được cho là bất cập, phải sửa đổi, bãi bỏ.
Nhiều nội dung trong Dự thảo sửa đổi Nghị định về ngành in được cho là bất cập, phải sửa đổi, bãi bỏ.

Người có bằng cao đẳng làm tốt hơn người không bằng cấp?

Cụ thể nhất là điều kiện chủ cơ sở in phải có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên là không cần thiết, không giúp ích gì cho hoạt động in ấn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng: Các sản phẩm báo chí, tem chống giả khi được đặt in phải có các giấy tờ kèm theo như (bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động báo chí đối với sản phẩm in là báo, tạp chí; bản sao có chứng thực giấy phép xuất bản bản tin đối với sản phẩm in là bản tin và các ấn phẩm báo chí khác ; đối với tem chống giả do cơ quan Nhà nước ban hành phải có bản sao có chứng thực quyết định ban hành mẫu tem chống giả ).

Với các loại giấy tờ này có thể thấy, các sản phẩm trước khi đặt in đã được kiểm soát về tính hợp pháp, phù hợp của nội dung sản phẩm in. Do đó, yêu cầu cơ sở in/người đứng đầu in phải kiểm soát nội dung của các sản phẩm in này là không cần thiết và chưa phù hợp

Đại diện VCCI cho biết: Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, việc thực hiện tập huấn và cấp chứng chỉ cho người đứng đầu cơ sở in trong thời gian qua thực chất chỉ là việc cập nhật các quy định pháp luật và các nội dung không giúp ích cho việc điều hành hoặc kiểm soát hoạt động của cơ sở in.

VCCI lý giải: Chủ cơ sở in thực chất là người làm dịch vụ, nội dung chuyên môn liên quan đến in ấn đã được cấp phép bởi các cơ quan có chức năng. Cơ sở in, in vô vàn nội dung, sẽ vô cùng khó nếu nghĩ có trình độ chủ cơ sở in cao đẳng hoặc đại học có thể hiểu và biết hết được các chuyên ngành, lĩnh vực khác.

"Việc phân loại sản phẩm in để yêu cầu chứng chỉ chuyên môn của người đứng đầu cơ sở in sẽ phát sinh các bất cập là: Một cơ sở in, in nhiều loại sản phẩm khác nhau, trong đó có những loại sản phẩm yêu cầu người đứng đầu phải có trình độ chuyên môn/chứng chỉ, có những loại sản phẩm lại không yêu cầu trình độ chuyên môn", Văn bản kiến nghị của VCCI đề rõ.

Cơ sở in tự báo cáo doanh thu thì vai trò cơ quan thuế ở đâu?

Theo VCCI, đòi hỏi về trình độ của người đứng đầu cơ sở in trong Dự thảo Nghị định trên không thể hiện được đúng tinh thần tạo thuận lợi kinh doanh cho người dân, DN trong Nghị quyết 19, bởi DN không thể chỉ in một loại sản phẩm in mà in nhiều loại.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in, tức là bỏ cụm từ “có trình độ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in” tại điểm e khoản 1 Điều 11 Nghị định 60.

Ngoài ra, VCCI phản đối quy định: “Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng/lần hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động in”.

Trong “Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm về hoạt động in” tại Mẫu 19 và “Báo cáo hoạt động in năm” tại Mẫu 21, các nội dung doanh nghiệp phải báo cáo là “tổng doanh thu”, “nộp ngân sách Nhà nước”, “lợi nhuận sau thuế”, “thu nhập bình quân”.

Theo VCCI, yêu cầu tần suất báo cáo ít nhất 2 lần/năm của các cơ sở in tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN.

Hơn nữa, với những thông tin được yêu cầu báo cáo trong các Mẫu trên là các thông tin có thể thu thập thông qua hệ thống thông tin của cơ quan quản lý thuế, giữa các cơ quan Nhà nước có thể chia sẻ thông tin để nhận diện được tình hình hoạt động và/hoặc mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Do đó, VCCI đề nghị bỏ chế độ báo cáo định kỳ hoặc đơn giản hóa bằng việc sửa đổi báo cáo 01 lần/năm để tạo điều kiện cho DN, người dân an tâm, làm ăn.

Nguyễn Tuyền