Muốn giảm giá hay có xăng dầu để mua?!
(Dân trí) - "Với người dân, điều quan trọng là có xăng dầu để mua hay là vấn đề giá? Tôi nhắc lại vấn đề để chúng ta tự kết luận, thời bao cấp giá rất rẻ nhưng không có hàng bán, dân có lợi không?" - Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nói.
Trao đổi về việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước sát với diễn biến giá thị trường thế giới tại cuộc tọa đàm "Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: “Với người dân, điều quan trọng là có xăng dầu để mua và hay là vấn đề giá? Tôi nhắc lại vấn đề để chúng ta tự kết luận, thời bao cấp giá rất rẻ nhưng không có hàng bán, dân có lợi không? Đôi khi có hàng hóa thì phải xếp hàng từ nửa đêm để mua hàng hóa mà nhiều người không mua được. Điều hành phải tính tới làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu và sau đó, tính tới giá cả hợp lý. Đây là phương trình nhiều ẩn số chứ không phải chỉ để giải quyết một vấn đề”.
Còn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng: Giá xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và đây chính là tâm điểm dư luận bức xúc là tăng không theo thị trường, giảm cũng không theo thị trường. Muốn điều ấy không xảy ra thì phải ổn định giá. Có nghĩa là có nghĩa giá lên bao nhiêu thì giảm thuế và giá giảm thì tăng thuế để giữ mức giá ổn định. Vấn đề chúng ta đặt mục tiêu gì, thuế là để thu ngân sách hay là công cụ điều tiết giá.
“Thường giá cao hay thấp thì chúng ta hoàn toàn có thể bình ổn. Vấn đề vận hành theo thị trường tôi nói thêm cả ba văn bản Quyết định 187, Nghị định 55, Nghị định 84 thì đều nói xây dựng mức thuế ổn định. Vì vậy, cần xác định là bám theo mục tiêu này”, ông Bảo nói.
Cũng theo đánh giá từ ông Bảo, mỗi lần chúng ta điều chỉnh giá đều có họp báo, công bố các yếu tố cấu thành giá, rất minh bạch, ai cũng tính toán được, nhưng “chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch, vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào”. Trong việc tổ chức vận hành thuế suốt thời gian dài, ông Bảo cho rằng, thuế được vận hành thiên về bình ổn giá, nghĩa là giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế, để giá bán thấp, thậm chí nhiều thời điểm thuế về bằng 0%, do đó, giá bán sẽ không theo xu thế thế giới, chỉ tăng vừa phải.
“Điều đó chứng tỏ Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm bình ổn giá và khi giá hạ thì Bộ Tài chính điều chỉnh thuế, nhưng khi điều chỉnh thuế tăng lên thì cơ hội hạ giá lại không còn. Trong năm 2012, gần như thuế bằng 0% trong 6 tháng đầu và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh giá tăng cao. Tất yếu đến nay khi giá xăng dầu thế giới hạ thì phải có thuế. Do đó, nếu nhìn cả chu trình dài thì có vẻ không minh bạch.
Tôi nhấn mạnh đây chính là bất cập trong cả 3 văn bản, từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84, cả 3 đều không thực hiện được điều khoản về giá, các điều khoản khác rất tốt. Những bức xúc của dư luận về giá xăng dầu tăng nhanh giảm chậm là vì thế”, đại diện Petrolimex lý giải.
Còn theo lý giải từ ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý giá Bộ Tài chính: Trong định giá xăng dầu hiện nay có thuế tuyệt đối là thuế môi trường, tuy nhiên, khi đánh giá tác động thực hiện sắc thuế đó, các nước đa phần sử dụng thuế tương đối. Và khung thuế xuất nhập khẩu xăng dầu của chúng ta thực hiện theo cam kết khi gia nhập WTO là từ 0-40%, đây cũng là cơ hội sử dụng công cụ thuếđể thực hiện bình ổn giá, đảm bảo mức độ giá hợp lý phù hợp nhất.
“Đừng kết luận cả 13.000 cây xăng đều vi phạm”
Đánh giá thế nào về việc hiện nay có nhiều cây xăng bán xăng kém chất lượng và gian dối về số lượng, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng: Hiện thống cửa hàng xăng dầu trên cả nước có khoảng 13.000, trong đó của Petrolimex khoảng 2.500, của các doanh nghiệp Nhà nước khác khoảng 500, còn hơn 10.000 cửa hàng thuộc mọi thành phần kinh tế. Hệ thống này đều theo quy định của Nghị định 84, là đại lý cho 13 doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp phải giám sát đại lý của mình, kể cả chất lượng.
Vừa qua, các đầu mối, các cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng trên thực tế thì mạng lưới rất lớn, tản mạn, cơ sở kỹ thuật vật chất không thực sự đồng đều, quan hệ giữa đầu mối và đại lý là quan hệ giữa pháp nhân và pháp nhân nên trong chừng mực nào đó việc quản lý cũng không thực sự như cửa hàng của mình. Với Petrolimex, qua kiểm tra 2.500 cửa hàng đều không phát hiện gian lận về đong đo, chất lượng, vì đó là hệ thống của chúng tôi, có chế tài kiểm tra, kiểm soát rất chi tiết.
Tuy nhiên, theo ông Bảo: “Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng phải tiết giảm chi phí, một vấn đề tôi phải thừa nhận là hoa hồng không đủ cho doanh nghiệp hoàn vốn, có thể do lợi ích cục bộ, họ có thể vi phạm. Nhưng với sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương, các đầu mối, sẽ tạo ra một cơ chế để đại lý có lợi nhuận, tình trạng này sẽ dần chấm dứt”.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng nhấn mạnh: “Ta không nên lấy hiện tượng để kết luận về tất cả. Trong 13.000 cây xăng thì tỷ lệ gian lận là rất nhỏ, có thời điểm cơ quan nhà nước đã phát hiện đến 20, 30 cây xăng vi phạm, nhưng đừng kết luận cả 13.000 cây xăng đều vi phạm. Hãy công bằng hơn với những người làm tốt”.
Chia sẻ thông tin về chi phí hoa hồng, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết thêm: “Nếu điều hành giá trong 13.000 cây xăng có một vài chục, một vài trăm cây xăng khó khăn về chi phí thì điều hành đúng, nếu 50% số cây xăng có khó khăn đến mức phải đóng cửa thì điều hành có vấn đề. Tôi xin chia sẻ khó khăn với các đại lý, cây xăng, có những thời điểm như tháng 3/2011 phí hoa hồng chỉ còn 70-100 đồng/lít, thời điểm ngấp nghé vỡ hệ thống xăng dầu và buộc chúng ta phải tăng giá xăng dầu ở mức tương đối lớn".
Nguyễn Hiền