1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mục tiêu kinh tế trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

Quan tâm mạnh mẽ tới việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt - Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ tiếp xúc, làm việc với hàng loạt quan chức cao cấp và doanh nhân hàng đầu nước Mỹ trong chuyến thăm này.

Cụ thể, Thủ tướng sẽ nói chuyện với Chủ tịch tập đoàn Microsoft William Bill Gates, thăm trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ và thế giới, trường Harvard. Quan trọng nhất, Thủ tướng sẽ làm việc về vấn đề đẩy nhanh tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam cũng như tạo bước tiến mới trong việc thực thi Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA).

Các doanh nhân Mỹ sẽ gặp Thủ tướng

Điểm đến đầu tiên của Thủ tướng là thành phố Seattle trong ngày 19/6. Tại đây vào ngày 20/6, Thủ tưóng sẽ gặp gỡ lãnh đạo các công ty hàng đầu của Mỹ, trong đó có Chủ tịch tập đoàn Microsoft William Bill Gates và Ban Giám đốc tập đoàn Boeing.

Thủ tướng sẽ đi thăm nhà máy sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới  trước khi chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua máy bay Boeing 787 Dreamliner giữa Vietnam Airlines với Boeing tại Washington.

Sau khi gặp gỡ và làm việc với Tổng thống Bush ngày 21/6, Thủ tướng sẽ tới thăm thị trường chứng khoán New York và gặp gỡ một số nhà tài chính nơi đây. Tiếp đó, Thủ tướng sẽ dừng chân ở Boston để trao đổi về hợp tác giáo dục với lãnh đạo trường đại học Harvard và Học viện kỹ thuật Massachusetts.

Vấn đề gia nhập WTO của VN

Nhưng trên tất cả vẫn là mối quan tâm về thương mại. Cụ thể, Thủ tướng sẽ nỗ lực nhằm đạt được thoả thuận với Washington về vấn đề gia nhập WTO của VN trong thời gian sớm nhất có thể.

"Chúng tôi hy vọng Tổng thống Bush và chính quyền Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ của họ đối với tiến trình gia nhập WTO của VN càng sớm càng tốt", Thủ tướng đã phát biểu trước báo chí trong và ngoài nước như vậy.

Mỹ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của VN ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ cách đây 10 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2004 đạt 6,4 tỷ USD. Đầu tư Mỹ vào VN được biết đã tăng 27% mỗi năm kể từ khi  BTA được thực thi năm 2001.

Kích thích BTA

Nhìn chung, quan hệ kinh tế Việt – Mỹ là tích cực sau bốn năm ký BTA. Cùng với một số lĩnh vực còn tồn tại và tranh chấp, mối quan hệ này đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về thương mại và đầu tư.

Trên thực tế xuất khẩu của VN sang Mỹ đã tăng mạnh mẽ trong vòng bốn năm qua. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, vượt Nhật Bản từ năm 2002 và hơn kim ngạch xuất khẩu sang 25 nước EU cộng lại. Cụ thể, các nhà xuất khẩu VN đã vượt mức xuất khẩu của các nước đối tác thương mại nhiều năm của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ba Lan. Achentina... và hiện đang tiến gần mức các nước phát triển lớn như Australia, Tây Ban Nha...

BTA cũng cho thấy những liên kết hậu cần mới, điển hình là đường bay trực tiếp của United Airlines từ Francissco tới VN và sắp tới sẽ là đường bay của Vietnam Airlines. Mối liên hệ giữa nhân dân hai nước cũng phát triển nhanh, với số lượng người Mỹ thăm VN hàng năm tăng đều.

Tuy nhiên, cũng phải nói là các thành tựu đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước và chưa thể hiện được mong muốn của doanh nghiệp hai nước trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hoá ồ ạt như hiện nay.

Một trong số những nguyên nhân chính làm cho các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn nhiều lo ngại và do dự trong đầu tư vào VN, theo họ, là cơ sở hạ tầng, việc cấp giấy phép cho các công ty hay những vấn đề về tính độc lập của cơ quan quản lý  viễn thông vẫn chưa đảm bảo điều kiện thích hợp.

Về phía các doanh nghiệp VN, việc duy trì hạn ngạch dệt may hay các chế tài chống phá giá  tôm, cá basa gây ra những lo ngại và do dự lớn.

Chính vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ lần này được doanh nghiệp hai nước kỳ vọng rất nhiều, rằng quan hệ thương mại sẽ được mở sang trang mới, tương xứng và có lợi hơn nữa.

Theo VietNamnet