Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 có dễ dàng?

Số doanh nghiệp thành lập mới bùng nổ năm 2016 với con số trên 100.000 doanh nghiệp, thế nhưng với tỷ lệ đóng cửa tương đương 70%, dự kiến, năm 2020, nếu không có những giải pháp đột phá, nhất là cho hệ sinh thái khởi nghiệp, con số doanh nghiệp hiệu quả hoạt động trên thị trường cũng chỉ đạt 650.000 doanh nghiệp.

Năm 2016 đánh dấu năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tuy nhiên tỷ lệ đóng cửa cùng thời gian tương đương 70%.

Mục tiêu của Chính phủ là có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
Mục tiêu của Chính phủ là có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Với diễn biến tăng trưởng này, giới chuyên gia lo ngại, đến năm 2020, Việt Nam cũng sẽ chỉ có thêm 150.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên thị trường lên 650.000 doanh nghiệp, trong khi mục tiêu của Chính phủ là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào mốc thời gian này.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore… đã giải quyết vấn đề trên bằng cách tận dụng hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm để cung cấp cho start-up vốn mồi, cố vấn từ các nhà đầu tư nhằm giảm tỷ lệ thất bại cho các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, một thực tế là số lượng nhà đầu tư hiện nay còn rất hạn chế và không đủ để hỗ trợ số lượng doanh nghiệp mới ra đời khổng lồ như mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Quá trình nghiên cứu và thử nghiệm tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ đầu tư thành công là 38% (so với trên thế giới là 10%), và định giá thị trường (market value) tăng từ 4,5 đến 10 lần trong suốt 4 năm thực tế hoạt động. Chính vì vậy, một cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho các start-up là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Mới đây, theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), ngân hàng này đang phối hợp với Vietnam Silicon Valley (VSV – thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức chương trình VSV Investor BootCamp để cung cấp các giải pháp giúp các cá nhân/tổ chức trở nên chuyên nghiệp hơn khi tham gia đầu tư start-up.

Chương trình này sẽ diễn ra trong vòng 5 ngày, từ ngày 10/04 -14/04/2017, được xây dựng được trên nghiên cứu về các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp thành công trên thế giới và kinh nghiệm thực tiễn của VSV trong việc đầu tư và hỗ trợ cho các Startup tại Việt Nam trong 4 năm qua. Chương trình nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển nhờ công nghệ đồng thời là thị trường tiềm năng thu hút nguồn tài chính đầu tư mạo hiểm và nguồn lực chất xám.

Ông Warren Cammack, Giám đốc sáng tạo VIB thuyết trình tại một hội thảo
Ông Warren Cammack, Giám đốc sáng tạo VIB thuyết trình tại một hội thảo

Mục tiêu chính của chương trình này là chia sẻ kinh nghiệm vận hành và nhân rộng mô hình thúc đẩy kinh doanh ra các vườn ươm, các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp; cung cấp kiến thức, kỹ năng và mạng lưới để giúp người tham gia có được nền tảng vững chắc khi hỗ trợ, đầu tư vào start-up nhằm tăng cao tỷ lệ lợi nhuận từ các khoản đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp; tăng cường tính liên kết và kết nối mạng lưới các cố vấn, các nhà đầu tư...

Bên cạnh việc hỗ trợ tổ chức chương trình, dự kiến đại diện của ngân hàng là ông Warren Cammack, Giám đốc sáng tạo VIB cũng sẽ tham gia chia sẻ và thảo luận chủ đề “Đổi mới sáng tạo: Tầm quan trọng và bài học điển hình”.

Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ số, trong đó 11 năm làm trong các ngành tài chính, ông Warren cũng là Giám đốc điều hành một công ty an ninh mạng, sau 18 tháng ra mắt đã được định giá ở mức 7 triệu USD. Bên cạnh đó, ông Warren còn là một thành viên tích cực khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và Úc.

Chương trình lần này cũng sẽ có một số chủ đề khác như: Hệ sinh thái khởi nghiệp; kỳ vọng trong đầu tư startup; start-up với SME; làm thế nào nhà đầu tư tìm thấy startup tiềm năng; phương pháp phát triển startup; mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh (accelerator); giảm thiểu rủi ro trong đầu tư mạo hiểm; kêu gọi vốn cho start-up... sẽ được chia sẻ và thuyết trình bởi các chuyên gia trong và ngoài nước.

Chi Mai