1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Mức tăng doanh thu “khủng” của EVN là hợp lý!"

(Dân trí) - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện Đinh Thế Phúc cho biết, với mức tăng giá điện 15,28% trong tương quan gia tăng sản lượng thì việc EVN tăng doanh thu "khủng" tới gần 27% trong năm 2011 là hợp lý.

Mức tăng doanh thu “khủng” của EVN là hợp lý!
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương Đinh Thế Phúc (ảnh: B.D).

Chưa có đề nghị tăng giá điện

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Công thương chiều 3/4, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc cho biết, đến nay Cục vẫn chưa nhận được đề nghị hay phương án tăng giá điện nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, việc tăng giá điện phải tuân theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 31 hướng dẫn của Bộ Công thương.

Động thái của EVN cũng như của Chính phủ với điều hành giá điện thời gian này đang là một vấn đề được cả dư luận lẫn báo chí dành sự quan tâm đặc biệt, do theo quy định, cứ sau 3 tháng thì Tập đoàn này được phép kiến nghị điều chỉnh giá điện 1 lần.

Lần tăng giá điện gần nhất là hôm 20/12 năm ngoái với mức điều chỉnh 5%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong 3 tháng đầu năm vẫn giữ được đà tăng thấp. Tuy nhiên, đà tăng này không bền vững khi áp lực giá xăng dầu vẫn còn lớn, và đặc biệt là kỳ tăng giá điện lại sắp đến gần. Ngoài ra, những yếu tố khiến giá lương thực, thực phẩm (chiếm 40% rổ tính giá) chững lại sẽ dần được khắc phục.

“Không thể nói giá điện bình quân 2.000 đồng”

Đáp lại những phản ánh về việc “EVN mua rẻ bán đắt nhưng vẫn than lỗ” và việc vì sao giá điện chỉ tăng 15,28% nhưng doanh thu 2011 của EVN tăng tới gần 27%, ông Phúc cho biết, đồng thời với mức tăng giá trên, thì sản lượng cũng tăng nên doanh thu tăng là điều có thể lý giải được.

“Làm phép tính sơ bộ, sản lượng tăng khoảng 10% cộng với tăng giá, nhân lên thì doanh thu tăng khoảng trên 26,5%. Doanh thu tăng như vậy là hợp lý” – ông Phúc cho hay.

Trước đó, theo thông tin đăng tải trên Tuổi trẻ mới đây thì doanh thu thuần của EVN năm 2011 đã lên tới khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD. Trong khi đó, tại báo cáo tài chính của EVN, năm 2010 dù là năm lỗ đỉnh điểm của EVN, tuy nhiên do được tăng giá điện “kép”, vừa tăng giá vừa thêm khung giá điện giờ cao điểm buổi sáng, doanh thu của EVN đã lên tới trên 90.800 tỷ đồng (trên 4 tỷ USD).

Như vậy, mức chênh có lớn (khoảng 1 tỷ USD) thì mức lãi của EVN vẫn là một mức “khủng”.

Vị này cũng khẳng định, với thống kê năm 2010 có khoảng gần 30% các hộ là dùng dưới 100 số điện nên “không thể nói giá bình quân là 2.000 đồng/kWh”. Kể cả việc các hộ bình thường chỉ dùng 200-300 số điện một tháng thì giá bình quân cũng không thể trên 2.000 đồng/kWh.

Tất nhiên, ông Phúc cũng loại trừ đến những trường hợp là có những hộ dùng quá nhiều, trên 1.000 số điện mỗi tháng.

Tuy nhiên, ý kiến của một chuyên gia từng làm cán bộ cao cấp của EVN lại cho rằng, với cơ chế hiện nay, giá điện thực chất 1kWh bao nhiêu chỉ EVN biết. Bởi danh nghĩa giá bình quân 1.304 đồng/kWh nhưng từ 150kWh trở đi giá có thể lên tới 2.000-2.060 đồng/kWh. Mà cơ cấu, tỷ lệ khách hàng dùng từ 150kWh trở lên bao nhiêu, kiểm toán vào cuộc khó biết bởi kiểm toán cũng chỉ soát xét trên hệ thống sổ sách của EVN, không thể kiểm tra hết cả 17 triệu hóa đơn khách hàng của EVN.
 
Tại buổi họp báo này, ông Phúc cũng khẳng định với số lượng các nhà máy đang cung cấp điện có tổng công suất lắp đặt khoảng 24.000 MW và tình hình trữ nước hiện nay thì năm nay EVN sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm