Mức lợi nhuận 6600%, Trung Quốc đang trở thành thủ phủ đầu cơ giày của thế giới
(Dân trí) - Một trong những mặt hàng hot nhất tại Trung Quốc hiện nay chính là những đôi giày thể thao sneaker.
Đôi giày thể thao nổi tiếng mang tên SoleFly x Air Jordon, sản xuất bằng da sáng chế màu đen đã tăng giá trị 6.600%, lên mức 75.999 Nhân dân tệ (10.730 USD) trên thị trường trực tuyến Nice sau khi ra mắt thị trường vào tháng 12. Theo tạp chí Sneaker Files, chỉ có duy nhất 223 đôi giày cao cấp này được sản xuất để bán trên thị trường.
Mẫu giày này là một trong những đôi giày thể thao có lợi nhuận cao nhất được rao bán trên sàn giao dịch được tạo ra bởi công ty công nghệ Nice có trụ sở tại Bắc Kinh.
Mức lợi nhuận ngoại cỡ như vậy thật sự rất khó để đạt được và điều này đã thu hút sự chú ý của tầng lớp những người thích đi giày thể thao như Lei Xiaoming – một sinh viên cơ khí kỹ thuật 20 tuổi ở Hồ Bắc.
Lei đã sưu tập những đôi giày phiên bản giới hạn trong nhiều năm nhưng anh ấy chỉ bắt đầu đầu tư vào chúng từ tháng Tư.
Lei nói: “Mức giá của những đôi giày này đã tăng rất nhiều. Tôi nghĩ rằng thay vì sử dụng chúng, tôi sẽ bán chúng đi. Việc này hấp dẫn hơn là việc giao dịch các cổ phiếu”
Kể từ đó, Lei đã chi khoảng 200.000 Nhân dân tệ để mua hơn 200 đôi giày, chủ yếu là dòng Air Jordans và Adidas AG. Anh đã thu được lợi nhuận khoảng 100.000 Nhân dân tệ bằng cách bán lại một số đôi giày này.
Theo công ty khai thác dữ liệu Trung Quốc, Quest Mobile, trên khắp Trung Quốc, hàng tháng có hơn 10 triệu người dùng thường xuyên truy cập vào các ứng dụng bán hàng trực tuyến như Poizon, Nice và DoNew. Mặc dù có rất nhiều sản phẩm đang phải chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng các đôi giày thể thao sưu tầm vẫn đang cháy hàng, và điều đó đã thu hút sự chú ý của các sàn giao dịch giày sneaker của Mỹ như StockX và GOAT, cũng như các ngân hàng Trung ương và truyền thông quốc gia.
Trung Quốc sẽ sớm trở thành thủ phủ giày sneaker của thế giới
Hầu hết những gì được giao dịch trên các nền tảng này là giày thể thao bóng rổ, một minh chứng cho tình yêu thể thao của Trung Quốc.
Theo báo cáo của CB Insights, sự nổi tiếng về việc bán lại các đôi giày phiên bản giới hạn đã tạo ra con “kỳ lân công nghệ” của Trung Quốc, nền tảng Nice phát triển bởi công ty công nghệ thông tin Shizhuang Thượng Hải. Vào tháng Tư, quỹ tài trợ từ Digital Sky Technologies đã đưa ra mức định giá cho nền tảng này lên tới 1 tỷ USD.
Scott Cutler, giám đốc điều hành của sàn giao dịch sneaker có trụ sở tại Detroit cho biết, thị trường bán lại giày sneaker Trung Quốc đang vượt quá mức 1 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Trung Quốc từ lâu đã đầu cơ vào các tài sản thay thế, bao gồm tiền điện tử hay rượu nồng độ cao từ Công ty Kweichow Moutai. Và giờ đây, giày thể thao đã nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư. Không giống như chứng khoán Trung Quốc, chỉ có thể di chuyển tối đa 10% theo một trong hai hướng hoặc lên hoặc xuống, còn đối với giày sneaker trên thị trường Trung Quốc, lợi nhuận của nó đang tăng liên tục không giới hạn.
Công nghệ hiện đại ngày nay đã giúp cho việc mua bán trở nên tuyệt vời hơn. Các ứng dụng thu thập giá và hỏi giá, biểu đồ chi phí và khối lượng giao dịch trong thời gian thực tế cùng với công nghệ hiện đại còn cho phép người dùng chia sẻ với nhau lời khuyên đầu tư. Một số ứng dụng cho phép khách hàng mua phiếu giảm giá dành cho giày sneaker trước khi các mẫu giày đó được tung ra giao dịch với mục đích hướng người dùng đến xu thế sử dụng giày sneaker nhiều hơn.
Hiện nay, các trang web giao dịch ở Mỹ cũng muốn có được thị phần ở Trung Quốc.
Cutler, người đã từng đứng đầu danh sách toàn cầu tại Sở giao dịch chứng khoán New York cho biết, các nhà đầu tư Mỹ đã lên kế hoạch cho việc xâm nhập vào Trung Quốc trong năm nay. Thị trường Trung Quốc đã có khoảng 10% khối lượng giao dịch từ Mỹ.
Henek Lo, Tổng giám đốc của GOAT China cho biết, Trung Quốc sẽ sớm trở thành thủ phủ sneaker của thế giới.
Nhưng phần thưởng đáng kể thường đi kèm với nhiều rủi ro và giao dịch sneaker cũng không ngoại lệ. Trong số hơn 2.600 mẫu sưu tập được bán trên ứng dụng Nice, 56% giá trị đã bị mất, chỉ 0,4% giày dép cho thấy có lợi nhuận.
Nhưng Tian Hao, 27 tuổi, tin chắc rằng anh ta sẽ thành công. Những ngày này, căn hộ tại Bắc Kinh rộng 90 m2 của anh chủ yếu được dùng làm nơi để lưu trữ giày với trị giá hàng trăm ngàn đô la.
Tian Hao ngồi giữa những hộp giày trong phòng khách tại căn hộ ở Bắc Kinh. Ảnh: Qilai Shen / Bloomberg
Hoạt động tại một quốc gia nổi tiếng, các nền tảng Poizon và Nice nói rằng, họ có quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo họ bán sản phẩm chính hãng. Poizon thuê các sneakerheads – những người có chuyên môn đầu ngành trong lĩnh vực giày sneaker để kiểm tra mọi chiếc giày, bao gồm bao bì, nhãn mác, đường khâu và keo dán, và nó cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đã được xác minh.
Cả Poizon và Nice đều đảm bảo chống lại hàng giả, và hứa hẹn sẽ bồi thường cho người mua với giá trị gấp 3 lần so với các giao dịch.
Tuy nhiên, gần đây, các ứng dụng Trung Quốc đang lo ngại về việc chính phủ đang chú ý đến một mặt tiêu cực khác trong việc mua bán lại các đôi giày sneaker. Một bài báo được xuất bản vào tháng 6 trên tờ China Daily của nhà nước đã đề cập đến Poizon và StockX, phàn nàn với những người bán sneaker về sự hỗn loạn trong việc giá của những đôi sneaker bị tăng quá cao.
Và trong tuần này, chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cảnh báo các tổ chức tài chính của thành phố về các rủi ro liên quan đến đầu cơ sneaker. Họ cho biết các nền tảng bán lại là chỉ là một trò chơi tài chính rất dễ bị mắc bẫy.
Adidas đồng thời cũng cho biết họ không khuyến khích việc bán lại các đôi giày thể thao của mình.
Charles Xing, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của Adidas đã nói, “Giày là để mang, không phải để đầu cơ”.
Tuy nhiên, những phản đối đó cũng không ngăn cản được những người như Tian, anh nói rằng mình hy vọng sẽ tiếp tục giao dịch trong 3-5 năm tới.
“Sẽ có những người đến rồi đi. Nhưng những người yêu thích và sưu tập sneaker sẽ đủ để nuôi dưỡng ngành công nghiệp bán lại này”, Tian nói.
Thùy Dung
Theo Bloomberg