1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mức giá khởi điểm của Bảo Việt dựa trên cơ sở nào?

(Dân trí) - “Giá khởi điểm do tổ chức định giá đưa ra và quy định hiện hành cấm các công ty con tiến hành định giá cho công ty mẹ”, ông Lê Quang Bình - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) nói về mức giá khởi điểm 30.500 đồng/cổ phần của Bảo Việt sẽ được đấu giá vào 8h30 ngày 31/5 tới.

Theo ông Lê Quang Bình, với mức giá khởi điểm là 30.500 đồng/cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua với tổng khối lượng 13.600.000 cổ phần (bằng 2% vốn điều lệ); các tổ chức trong nước được đăng ký mua tối đa 3.400.000 cổ phần (bằng 0,5% vốn điều lệ) và các thể nhân được mua 340.000 cổ phần (bằng 0,05% vốn điều lệ).

Bảo Việt không bán cổ phần cho các pháp nhân là các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả công ty thành viên và các quỹ đầu tư thuộc các doanh nghiệp đó) cũng như các pháp nhân là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Bảo Việt.

Trả lời báo giới về mức giá khởi điểm đưa ra cho phiên đấu giá sắp tới là 30.500đồng/cổ phần, ông Bình lý giải: Đây là mức giá đã được xác định dựa trên cơ sở giá trị doanh nghiệp, đồng thời có tính toán, cân nhắc về lợi thế kinh doanh, tương quan với giá cổ phần của các doanh nghiệp khác khi tiến hành IPO.

“Tôi kỳ vọng Bảo Việt được đấu giá sẽ sát với giá trị thực tế chứ không phải bị đánh giá quá cao. Tuy nhiên, đó chỉ là kỳ vọng vì thị trường luôn có những biến đổi bất ngờ”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, không như các doanh nghiệp Nhà nước lớn khác là: Vietcombank, BIDV… có xu hướng chọn đơn vị tư vấn là các tổ chức lớn trên thế giới, Bảo Việt chọn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - công ty con do tập đoàn này nắm giữ 60% vốn điều lệ - làm đơn vị tư vấn đợt đấu giá lần này.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng Giám đốc Bảo Việt cho hay: Đây hoàn toàn không phải là lựa chọn mang tính cục bộ, chủ quan mà vẫn đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Bởi đơn vị tham gia tư vấn đấu giá chỉ có nhiệm vụ: thực hiện các thủ tục hành chính, công bố thông tin, kết hợp với Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội kiểm soát quá trình đấu giá, chứ không có nhiệm vụ xác định giá khởi điểm.

Ngay sau khi đấu giá cổ phần thành công, Bảo Việt sẽ đăng ký giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Dự kiến, hai năm sau IPO, đến 2009, Bảo Việt sẽ chính thức niêm yết ở Trung tâm chứng khoán trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả đấu giá cổ phần Bảo Việt - một trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất từ trước tới nay (6.800 tỷ đồng) trong 25 doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất tại Việt Nam - sẽ có tác động lớn đến mặt bằng giá cổ phần của các công ty bảo hiểm.

Với 13 đại lý đứng ra đấu giá - con số kỷ lục từ trước đến nay đối với việc cổ phần hoá một doanh nghiệp, phiên đấu giá cổ phần Bảo Việt đang được xem là một trong những sự kiện “hot” nhất của thị trường chứng khoán trong tháng 5 này.

Nguyễn Hiền