1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mua xe cũ, mất trắng tiền cọc vì "xuống tiền" cảm tính

Không ít khách hàng ôm phải "quả đắng", hoặc mất trắng tiền cọc, hoặc nhận chiếc xe lỗi với quyết định vội vã của mình.

Mất trắng tiền cọc vì cả tin

Tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng, anh Lý Anh Sơn (35 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết định đi mua một chiếc xe cũ. Theo những thông tin được rao trên một số trang mua bán xe hơi, anh tìm được một chiếc Mazda 3S đời 2014 rất “vừa miếng” tại một salon xe cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội).

Tâm lý háo hức khi mua ô tô lần đầu, lại chưa có kinh nghiệm về xe cộ, anh Sơn đã nhanh chóng bị nhân viên bán hàng tại salon “thôi miên” bằng những lời có cánh. Chiếc xe hơn 5 năm tuổi với ngoại hình long lanh, nội thất sạch sẽ khiến anh không do dự, xuống ngay tiền đặt cọc 20 triệu đồng và hẹn 1 tuần sau lấy xe.

Mua xe cũ, mất trắng tiền cọc vì xuống tiền cảm tính - 1

Khách đi mua xe cũ cần kiểm tra thật kỹ trước khi xuống tiền đặt cọc (ảnh: Hoàng Hiệp)

Tuy vậy, 3 ngày sau đến lấy xe, anh Sơn cùng một người bạn có kinh nghiệm kiểm tra thì phát hiện, xe từng bị tai nạn khá nặng, phần đầu móp méo, ảnh hưởng đến cả máy. Lúc này, anh Sơn quyết định không lấy xe và đề nghị salon hoàn lại tiền đặt cọc. Phía salon từ chối thẳng thừng với lý do anh Sơn đã xem kỹ xe rồi mới đặt cọc, việc cọc tiền là tự nguyện chứ không ai ép buộc.

Sau cuộc đàm phán nảy lửa, cuối cùng hai bên thống nhất “cưa đôi” số tiền đặt cọc. Anh Sơn đành ngậm ngùi mất 10 triệu đồng do sự nhanh nhảu quá mức cần thiết.

Không được “may mắn” như anh Sơn, anh Nguyễn Viết Giang (29 tuổi, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) dù đã rất cẩn thận nhờ một người thợ làm tại một xưởng sửa chữa ô tô ở gần nhà cùng đi xem xe. Thế nhưng, anh vẫn dính quả đắng không ngờ.

Cuối năm 2019, anh Giang cùng người thợ xem chiếc Toyota Innova đời 2015 tại một salon ô tô cũ tại quận Cầu Giấy. Sau cái “gật đầu” của người thợ cùng đi, anh quyết định lấy luôn chiếc xe này về vừa phục vụ gia đình, vừa chạy dịch vụ khi rảnh rỗi.

Sau thương vụ mua xe này, anh Giang "cảm ơn" người thợ xe 3 triệu đồng. Thế nhưng, một thời gian chạy xe, chiếc Innova 5 năm tuổi rất hay hỏng vặt.

“Có hôm, khi đưa vợ con về ngoại, chiếc xe đi như bị hụt hơi, cứ giật giật rất khó chịu. Một người chú bên đằng ngoại cũng là thợ xe đã xem qua và khẳng định, chiếc xe này trước đây đã chạy dịch vụ rất nhiều và đã bị tua lại công-tơ-mét đến cả chục vạn km”, anh Giang bức xúc kể lại.

Sau đó, anh Giang đã gọi điện đến salon trước đây để trần tình thì tình cờ phát hiện salon này cũng đã phải “cắt” từ 5 - 7 triệu đồng cho người thợ sửa xe nọ. Anh Giang chỉ biết tự trách mình vì đã quá tin tưởng người thợ kia, phải ngậm ngùi ôm "quả đắng".

Cách đây 1 tháng, một người phụ nữ tên G.B. ở tại TP. Hồ Chí Minh gây xôn xao trong cộng đồng mạng khi "tố" một salon cũ tại quận Tân Bình đã bán cho chị chiếc Toyota 86 cũ có chất lượng kém. Chị G.B sau khi đặt cọc 50 triệu đồng cho salon này mới mang xe đến đại lý chính hãng kiểm tra.

Cũng như các trường hợp trên, chị B phát hiện xe lỗi, đã quay lại yêu cầu salon trả tiền cọc và không lấy chiếc xe này nữa nhưng salon không chấp nhận. Lý do cũng được salon này nêu ra, đây là tiền cọc để mua xe chứ không phải tiền cọc để chị đi xem xe để rồi "không thích thì không lấy".

Sự việc trên vẫn đang tranh cãi chưa có hồi kết, thậm chí hai bên còn "dọa" đưa nhau ra toà để làm rõ việc này.

Cần chú ý điều gì về pháp lý khi mua xe cũ

Tranh cãi sau khi đặt cọc mua xe cũ là câu chuyện khá phổ biến, nhất là với nhiều người chưa có kinh nghiệm mua xe. 

Ông Dương Trung Kiên – chủ một salon ô tô cũ tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thông thường, khách hàng chỉ đặt cọc khi thực sự đã ưng và chốt lấy chiếc xe đó. Việc đặt cọc mua bán xe kèm cam kết giữa các bên thường thể hiện rõ trong văn bản và được hai bên đồng thuận. 

“Đối với các salon lớn, có uy tín, những hạng mục cam kết chất lượng như: xe chưa từng bị ngập nước, không bị tai nạn hoặc động cơ nguyên bản,… sẽ được ghi thẳng vào hợp đồng đặt cọc để khách yên tâm”, ông Kiên nói

Tuy nhiên, ông Kiên cũng chỉ ra rằng, nhiều cơ sở kinh doanh làm ăn chộp giật có thể ỉm những điều khoản này đi hoặc chỉ cam kết “mồm” nhằm tạo lòng tin ban đầu. Lúc khách hàng phát hiện ra xe lỗi thì đã bị “cầm đằng lưỡi” rồi.

Là một người có kinh nghiệm trong việc làm các thủ tục mua bán ô tô, Công chứng viên Đào Duy An - Giám đốc một văn phòng công chứng tại Hà Nội phân tích, khi khách đã “bồ kết" "em xe" nào thì quyết định đôi khi nhiều cảm tính. Khi đó, khách thường chủ quan và dễ “dính chưởng” với nhân viên sales.

“Thường thì bạn sẽ bị họ thuyết phục đặt cọc thật nhanh, số tiền đặt cọc từ lớn đến nhỏ dần tùy theo độ hào phóng của bạn. Đôi khi bạn tặc lưỡi và nhanh chóng xuống tiền đặt cọc và có thể có nhiều rủi ro xảy ra”, ông An nói.

Theo ông An, sau khi đặt cọc, khách hàng nên đến một văn phòng công chứng để làm các thủ tục mua bán, giấy tờ xe sẽ được xem xét bởi những người có chuyên môn thẩm định, tránh những sai sót hay vấn đề về pháp lý.

Trao đổi về vấn đề trên với VietNamNet, Luật sư Dương Đức Thắng – Phó giám đốc Công ty Luật Myway (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dẫn chiếu điều Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc. Ông cho biết, về nguyên tắc, khi khách hàng mua xe và salon đã ký hợp đồng đặt cọc mua xe với nhau thì hai bên đã phát sinh quyền và nghĩa vụ của mình và phải tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng.

“Thông thường, khách hàng đem xe đi kiểm tra, phát hiện ra nhiều lỗi thì khách hàng không thể yêu cầu trả lại xe và đòi lại tiền đã đặt cọc mà phải chấp nhận mất toàn bộ hoặc một phần số tiền đặt cọc. Việc này tuỳ vào thoả thuận cụ thể với salon trong hợp đồng”, luật sư này bày tỏ quan điểm.

Theo ông Thắng, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình, khách hàng cần xem xét kỹ tình trạng xe, trao đổi với salon ô tô cho xe đi kiểm tra rồi mới đặt cọc hoặc để tránh những rắc rối về sau.

Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng;

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Lời khuyên của chuyên gia khi đi mua xe cũ:

- Bạn chỉ nên mua xe cũ nếu bạn thực sự am hiểu về xe, biết tự đánh giá xe. Trường hợp không am hiểu thì nên tìm người thân tín giúp đỡ, hạn chế tối đa việc thuê người thứ ba thẩm định chất lượng xe.

- Chọn mua xe ở những salon có uy tín, có cam kết mạnh mẽ bằng văn bản về chất lượng chiếc xe.

- Đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng đặt cọc, nên thương lượng với salon đặt cọc ở mức hợp lý, không nên đặt cọc quá nhiều.

- Khi đã đặt cọc xong, hãy chụp ảnh lại toàn bộ các chi tiết của chiếc xe, đồng thời yêu cầu niêm phong xe để tránh bị hỏng hóc, tráo đổi phụ tùng trong thời gian chờ lấy xe.

- Khi mua bán xe, yêu cầu bên bán đến văn phòng công chứng (hoặc bạn mời công chứng của mình) đến công chứng chứ tuyệt đối không sử dụng hợp đồng công chứng khống để tránh rủi ro về pháp lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm