Mùa kiều hối: Chuyển tiền ngầm âm thầm hoạt động

Mùa kiều hối là mùa làm ăn của các công ty chuyển tiền ngầm và các đường dây chuyển tiền dạng “xách tay”. Tuy rủi ro cao, nhưng thủ tục lại nhanh gọn, mức phí thấp, nên nhiều người vẫn chọn kênh này.

Kiều hối liên tục tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, 11 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối chuyển về thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố ước đạt 4,4 tỷ USD. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, năm 2014, trên phạm vi cả nước, kiều hối ước đạt hơn 12 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2013. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng trung bình của kiều hối trong 3 năm qua.
 
Mùa kiều hối: Chuyển tiền ngầm âm thầm hoạt động
Mùa kiều hối là mùa làm ăn của các công ty chuyển tiền ngầm và các đường dây chuyển tiền dạng “xách tay”

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Lạc quan hơn, trong lần trao đổi với báo chí trước đây, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, kiều hối năm nay, nhiều khả năng có thể đạt mức 12-13 tỷ USD.

Được biết, hiện tại, các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, Agribank... với lợi thế mạng lưới rộng khắp đang nắm thị phần lớn về nhận kiều hối. Thị phần của mỗi ngân hàng này đều chiếm khoảng 12-15%. Bên cạnh đó, một số ngân hàng TMCP như Đông Á, Sacombank… cũng cạnh tranh quyết liệt và chiếm thị phần đáng kể.

Theo NHNN, hiện tại, kênh chuyển tiền phổ biến nhất là qua hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế làm đại lý chi trả kiều hối, hải quan, bưu điện…  Lượng kiều hối chuyển về nước tăng qua các năm gần đây chủ yếu là do ngành ngân hàng có nhiều chính sách khuyến khích người Việt Nam chuyển tiền về nước. Nhiều quy định về hoạt động ngoại hối cũng được đơn giản hóa như: bãi bỏ quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập, không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng…

Đến nay, nhiều ngân hàng TMCP cũng đã đầu tư công nghệ và thành lập các công ty chuyển tiền toàn cầu, hoạt động chuyên nghiệp trong việc khai thác các thị trường chuyển tiền về Việt Nam và đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán cá nhân.

Chuyển tiền “chui” vẫn còn đất sống

Dù hiện nay, kênh nhận kiều hồi chính thức phát triển mạnh, song kênh chuyển tiền “chui” vẫn tồn tại, âm thầm hoạt động, thậm chí còn cạnh tranh gay gắt với hệ thống ngân hàng. Không khó để tiếp cận dịch vụ này tại “phố ngoại tệ” Hà Trung (Hà Nội) hay tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc khác. Ngoài ra, những đường dây chuyển tiền “xách tay” liên quốc gia cũng hoạt động rất sôi động, chủ yếu chuyển tiền từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… về Việt Nam.

Đầu năm nay, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một người Việt Nam vì tội chuyển tiền lậu và nghi ngờ hai năm qua, đường dây chuyển tiền bất hợp pháp này đã chuyển hơn 500 triệu yên về Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, muốn nhận kiều hối tại ngân hàng, khách hàng phải khai báo thông tin đầy đủ và phải nộp phí, trong khi tại các công ty chuyển tiền chui, khách không phải khai báo, hoàn toàn miễn phí, thậm chí có thể nhận tiền tại nhà. Phí dịch vụ tại một số ngân hàng như VietinBank, MB, DongABank… bao gồm phí chuyển tiền đến (0,05%) và phí rút tiền mặt ngoại tệ (0,15%). Khách hàng rút tiền muốn quy đổi sang tiền đồng sẽ được miễn phí rút ngoại tệ (0,15%), song lại được quy đổi với tỷ giá khá thấp. Trong khi đó, tại các công ty “ngầm”, khách hàng được nhận tiền đồng với tỷ giá quy đổi cao hơn hẳn.

Việc chuyển tiền ra nước ngoài tại các công ty chuyển tiền “chui” lại càng nhộn nhịp hơn. Theo quy định của NHNN, muốn chuyển tiền ra nước ngoài qua ngân hàng, người dân phải chứng minh mục đích chuyển tiền là hợp lý. Trong khi đó, nếu chuyển tiền qua thị trường phi chính thức, khách hàng không cần bất cứ loại chứng từ gì.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nhiều người dân vẫn chọn kênh chuyển tiền “chui” này để giao dịch vì thủ tục đơn giản, nhanh gọn, tỷ giá cao. Dĩ nhiên, giao dịch qua kênh chuyển tiền này có nguy cơ rủi ro cao.

“Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt ở Việt Nam như hiện nay, việc nhiều người sử dụng kênh chuyển tiền “chui” sẽ chưa thể sớm chấm dứt”, ông Đức nói.

Theo Thùy Liên
Đầu tư
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”