Mua hàng qua mạng, chớ có cả tin
Một công ty Việt Nam mới đây đã bị lừa mất gần 400 triệu đồng trong một giao dịch mua bán quốc tế qua mạng Internet.
Làm quen
Cuối năm 2004, đang lang thang trên mạng Internet, người của công ty A, một đơn vị chuyên ngành xây dựng và thương mại tại TPHCM, mừng như bắt được vàng khi phát hiện có công ty chào bán cột chống giàn dáo đã qua sử dụng với giá chỉ từ 5-7 USD/cột chống.
Bên bán ở tận Seoul, Hàn Quốc, nhưng họ cung cấp đầy đủ thông tin về địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax và đặc biệt có một cái tên vừa nghe đã cảm thấy yên tâm: Công ty TNHH Hyundai Metal (1-154 Seorindong, KPO Box 558, Chongrogu, Seoul).
Sau khi liên lạc với đối tác và kiểm tra các thông tin đúng như lời quảng cáo, công ty A vội vàng ký ngay đơn đặt hàng. Tuy nhiên, do mới quen biết nên trong đợt đầu công ty cũng thận trọng chỉ đặt mua số hàng trị giá 5.000 USD và yêu cầu được thanh toán qua L/C.
Tiền trao cháo múc, chỉ sau vài ngày thanh toán, công ty A đã nhận được vận đơn của Công ty Hyundai Metal gửi với số hàng đúng như hai bên đã ký hợp đồng.
Sập bẫy
Lô hàng thuận buồm xuôi gió đầu tiên khiến cho công ty A hoan hỉ. Công ty quyết định đặt mua lô hàng lớn hơn, trị giá đến 31.257 USD. Để bớt rắc rối cũng như tỏ lòng tin tưởng lẫn nhau, hai bên thỏa thuận bỏ luôn thủ tục thanh toán qua L/C như đợt trước đã làm. Bên mua trả thẳng tiền, bên bán chuyển hàng sang, giản tiện vô cùng.
Bằng cách đó, đợt đầu trong thương vụ, công ty A đã nhận được số hàng trị giá 6.200 USD. Lòng tin nhân lên gấp bội. Đúng lúc này, Công ty Hyundai Metal liên lạc với công ty A than thở rằng họ đang gặp khó khăn về tài chính, nếu không ứng hết tiền trước thì sẽ khó mà cung cấp đủ hàng. Chẳng một chút nghi ngờ, công ty A chấp nhận chuyển toàn bộ số tiền còn lại trong hợp đồng sang cho đối tác.
Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng... trôi qua, số hàng đặt mua cũng như đối tác ở Hàn Quốc đều mất tăm. Công ty A tìm mọi cách liên lạc nhưng đều không có kết quả, coi như mất trắng số tiền 25.057 USD (tương đương gần 400 triệu đồng).
Sai lầm ở đâu?
Có thể xem trường hợp trên đây như một kinh nghiệm trong hoạt động thương mại điện tử quốc tế - một hình thức kinh doanh mới mẻ tại Việt Nam. Ở đây, công ty A đã mắc phải một số sai lầm.
Thứ nhất, công ty đã không kiểm tra kỹ đối tác thông qua các cơ quan như lãnh sự, hiệp hội, đại diện phòng thương mại và công nghiệp của nước sở tại mà đã vội vàng ký hợp đồng. Luật sư của công ty A cho biết sau khi vụ việc xảy ra, ông đã nhờ đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM kiểm tra và được biết Công ty Hyundai Metal không phải là thành viên của tổ chức này. Một đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc nói rằng nếu công ty trên là thành viên thì chắc chắn họ sẽ tác động để vụ việc được giải quyết ổn thỏa.
Thứ hai, công ty A cứ nghĩ Công ty Hyundai Metal là một công ty con của tập đoàn Hyundai. Nhưng theo Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc, sự thật không phải như vậy. Công ty này đã mượn tên, núp bóng đại gia nổi tiếng nhằm tạo uy tín, từ đó dụ con mồi là công ty A vào tròng.
Thứ ba, giá rẻ do bên bán hàng đưa ra đã làm công ty A mất cảnh giác. Lẽ thường thấy giá rẻ thì ai cũng thích nhưng trong trường hợp này nó đã trở thành một cái bẫy nguy hiểm, nhất là đối với việc mua bán qua mạng và với khách hàng cả tin như công ty A.
Sai lầm cuối cùng là công ty A đã bỏ công đoạn thanh toán qua L/C - một cách chi trả an toàn, để chuyển sang một phương thức thanh toán đầy rủi ro; đó là ứng tiền trước, nhận hàng sau.
Sắp tới đây công ty A có thể kiện vụ việc ra tòa. Đây là một dạng tranh chấp khá mới mẻ mà bị đơn là một pháp nhân ở nước ngoài. Quá trình giải quyết sẽ rất phức tạp, và ngay cả khi công ty A thắng kiện đi chăng nữa thì việc thi hành án cũng không đơn giản. Nhất là khi giữa Việt Nam và Hàn Quốc đến nay vẫn chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp.
Theo SgEconomy