Mua hàng “nhái” bằng giá... “hiệu”
(Dân trí) - Bằng hình thức treo biển tên những thương hiệu nổi tiếng như áo sơ mi thương hiệu may 1..., may NB..., hay những bộ nội y của hãng Triump, Vera... tất cả đều có thể là những sản phẩm được nhái lại một cách tinh vi và bán cho người tiêu dùng với giá... hàng hiệu.
Thật, giả lẫn lộn!
Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của công ty may 1... nằm trên phố QT (HN) được coi là một trong những nơi kinh doanh khá tốt. Ở đây có đầy đủ các mặt hàng cao cấp chính hãng của Công ty may 1... với giá được niêm yết theo quy định của công ty đưa ra.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào đến đây mua cũng sẽ nhận được một sản phẩm do chính hãng sản xuất, tương đương với đồng tiền bỏ ra. Để giảm bớt chi phí và tăng lợi nhuận, cửa hàng đã sử dụng một số cơ sở khác chuyên may nhái lại những sản phẩm của công ty với hình thức và mẫu mã “sao y bản chính” rồi tiêu thụ tại đây.
Trong các sản phẩm may mặc, có thể nói, hàng nội y được coi là một trong những loại hàng hay bị trà trộn nhất. Thay vì phải bán cho khách hàng những chiếc áo lót hiệu Triump có giá 200 - 300 nghìn đồng, không ít cửa hàng đã mua những hàng được sản xuất từ Trung Quốc có giá chỉ vài chục nghìn đồng rồi gắn mác hiệu Triump để bán cho khách hàng với giá cắt cổ.
Một nhân viên của cửa hàng bán đồ lót hiệu Triump trên phố Hàng Bông cho biết: Một cửa hàng muốn có khách thì phải trông xịn, đẹp. Nhưng với giá thuê mặt bằng lên tới 4 - 5 triệu đồng/tháng, nếu không bán hàng trà trộn thì làm sao có lãi, lại còn phải trả tiền lương nhân viên và bao nhiêu thứ khác nữa!
Hàng nhái là một thị trường “ngầm”
Trên thực tế, vì quá tin tưởng vào thương hiệu của chính hãng cũng như không phải ai cũng có độ thẩm định hàng hiệu nên việc qua mặt khách hàng chẳng có gì khó. Vấn đề là tình trạng này đang ngày càng phổ biến và trở thành một thị trường “ngầm”.
Đối với những loại hàng nhái sản xuất trong nước, nó đang thách thức cho những công ty may mặc có thương hiệu của Việt Nam. Bởi trên thực tế, sản phẩm của các công ty sẽ không thể ra thị trường nếu không có những cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của công ty. Nhưng khi có những cửa hàng này thì việc kiểm soát hàng giả là không dễ, vì nó liên quan đến lợi nhuận cá nhân của chủ các cửa hàng, ngay cả khi đó là những người của công ty.
Đối với những sản phẩm giả có xuất xứ từ nước ngoài, mà ở đây chủ yếu là Trung Quốc, việc nhờ hàng hiệu để tiêu thụ vô hình chung tiếp tay cho những đầu nậu ở biên giới. Tư thương có thể đặt hàng trực tiếp cho các nhà sản xuất tại Trung Quốc rồi chở về Việt Nam. Trong đó, không quên kèm theo các tem mác hàng hiệu.
Đối với các chị em phụ nữ hay dùng đồ hàng hiệu, họ rất thấu hiểu khi dùng nội y giả. Vấn đề là họ cũng không biết làm thế nào để tìm được hàng chính hiệu khi mà hàng nhái cứ xuất hiện nhan nhản, thậm chí ở trong cả những nơi mà họ hy vọng có thể tìm thấy được đồ hiệu.
Có lẽ hơn ai hết, những công ty đang bị ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh phải là nơi tìm ra các biện pháp ngăn chặn sự gian lận thương mại nói trên. Nhưng trong thời điểm này, người tiêu dùng vẫn cứ phải chấp nhận mua hàng “nhái” bằng giá “hiệu”.
Lan Hương - Nguyễn Hiền