Mua cổ phiếu lúc này: Còn tiềm ẩn rủi ro
Giá cổ phiếu hiện tại tuy đã ở mức thấp nhưng vẫn có thể xuống thấp hơn nữa nên vẫn còn rủi ro cho nhà đầu tư.
Ngày 23/11, mặc dù thị trường chứng khoán tăng điểm (chủ yếu nhờ khối ngoại mua kích thích) nhưng giá trị giao dịch vẫn thấp, tính chung cả 2 sàn chỉ đạt 976 tỉ đồng, bằng 20% so với lúc thị trường sôi động. Tình hình kinh tế chưa ổn định nên nhà đầu tư vẫn còn nguy cơ gặp rủi ro khi mua cổ phiếu.
Lãi suất quá sức chịu đựng
Trong những ngày qua, lãi suất tín dụng tăng rất cao, phổ biến ở mức 17%, cá biệt có nơi lên trên 20%. Mức lãi suất này được xếp vào hạng cao thứ hai từ trước tới nay (sau đợt cao điểm năm 2008 lên đến 21%).
Mặt khác, lãi bất ngờ tăng vào thời điểm cuối năm sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp vay nợ kinh doanh sẽ khó khăn. Đặc biệt, những đơn vị thuộc nhóm doanh nghiệp cổ phần từ quốc doanh do được ưu ái tín dụng và quen “vung tay quá trán” nên thường có hệ số nợ cao. Các doanh nghiệp vận tải biển và dầu khí hiện có số nợ nhiều hơn các nhóm khác nên luôn tiềm ẩn thua lỗ.
Trong 3 quý đầu năm, vì làm ăn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã lỗ khá nặng. Những tháng cuối năm nay và đầu năm tới, lãi tín dụng tăng cao, nguy cơ lỗ càng tăng. So với hầu hết các nước trên thế giới, lãi tín dụng ở Việt Nam cao gấp 2 - 3 lần nên những doanh nghiệp kinh doanh có tính quốc tế (xuất khẩu, vận tải biển...) càng khó cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ nước khác.
Bù trượt tỉ giá ngoại tệ
Do ngoại tệ tăng giá mạnh nên những doanh nghiệp vay ngoại tệ để đầu tư máy móc, thiết bị; nhập khẩu nguyên vật liệu... nếu chưa hạch toán mức trượt tỉ giá thì hết năm khi lập báo cáo tài chính phải trích lập dự phòng.
Các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển, sản xuất điện, sản xuất thép... vì vay nhiều ngoại tệ cho nên khi trích dự phòng một lần sẽ làm tăng chi phí đột biến, tạo ra nguy cơ tiêu hết lợi nhuận làm ra, thậm chí gây thua lỗ trong quý IV.
Từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng vốn lớn của nhà đầu tư bị hút vào mua cổ phiếu ngân hàng để tăng vốn điều lệ lên theo quy định. |
USD tăng nên chỉ tính trong quý III, Công ty Vận tải Dầu khí (mã chứng khoán là PVT) phải bù trượt giá 63 tỉ đồng, hoạt động kinh doanh bị lỗ thuần hơn 41 tỉ đồng.
Đặc biệt, những doanh nghiệp vay nợ ODA của Nhật Bản (thanh toán bằng tiền yen - JPY) do JPY tăng mạnh trong 15 năm qua nên mức bù trượt giá càng nhiều. Theo tỉ giá công bố tại VCB, từ đầu năm đến nay, JPY đã tăng từ 203 đồng lên 250 đồng/JPY (tăng 23,3%). Do đó, những doanh nghiệp vay JPY sẽ tiềm ẩn nguy cơ lỗ rất lớn.
Tiền bị hút mạnh để tăng vốn ngân hàng
Trong lúc nguồn vốn bị teo lại thì từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng vốn lớn của nhà đầu tư bị hút vào mua cổ phiếu ngân hàng để tăng vốn điều lệ lên theo quy định (tối thiểu phải đạt 3.000 tỉ đồng).
Còn những đơn vị lớn thì tăng lên cho đúng với chuẩn mực. Chỉ riêng ACB, do tăng vốn điều lệ nên các cổ đông sẽ phải đóng vào 1.562 tỉ đồng (mua tỉ lệ 10:2 bằng mệnh giá). Ước tính, riêng việc mua cổ phần của các ngân hàng sẽ hút của thị trường từ 45.000 - 50.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm.