Mua cổ phiếu “lúa non”: Chơi dao hai lưỡi

Thị trường chứng khoán sôi động đã kéo rất nhiều nhà đầu tư mới vào cuộc. Nếu trên sàn giao dịch tập trung, ở mức độ nào đó các thông tin chính thức về các loại cổ phiếu còn có ít nhiều để nhà đầu tư lượng định, riêng cổ phiếu OTC hiện nay gần như “mê hồn trận”.

Nhiều người chọn mua chỉ bởi những tin đồn thổi, nên rất dễ gặp rủi ro. Gần đây, nhiều người lại hùa nhau tìm mua cổ phiếu dạng “lúa non” của một số đơn vị sắp cổ phần hóa với hy vọng khi doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ thắng lớn.

Mua, bán cái... chưa có

Thông thường, khi một doanh nghiệp (đơn vị) cổ phần hóa, sẽ có một lượng cổ phiếu nhất định bán cho CB-CNV với giá ưu đãi. Bình thường số cổ phiếu ưu đãi này chỉ có thể giao dịch khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa xong (có cổ phiếu thật sự).

Thế nhưng do “có cung ắt có cầu”, nhiều người vì khoái doanh nghiệp này nên tìm cách mua trước suất ưu đãi. Có giao dịch thành thế là “một đồn mười, mười đồn trăm”, giới cò chứng khoán nhảy vào, giá suất ưu đãi mua cổ phiếu được đẩy tăng vọt, lôi kéo nhiều nhà đầu tư “tay mơ” vào cuộc.

Điển hình cho hiện tượng này là tình trạng những tuần vừa qua người người đua nhau tìm mua “cổ phiếu” của Bệnh viện Bình Dân. Trên các sàn OTC “cổ phiếu” của bệnh viện này được chào giá 40.000 đồng rồi 50.000 đồng, thậm chí 60.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, đến thời điểm này Bệnh viện Bình Dân vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục cổ phần hóa. Nghĩa là chưa có bất cứ ai có cổ phiếu.

Hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra với một số trường hợp khác, nhưng quy mô khiêm tốn hơn. Chẳng hạn, cả tuần lễ trước ngày đấu giá cổ phiếu lần đầu phát hành ra công chúng của Công ty Cổ phần Dây và cáp điện Việt Nam (Cadivi) hôm 31/1, trên các website giao dịch OTC, nhiều người chào bán suất ưu đãi quyền mua cổ phiếu này với giá 60.000 đồng- 70.000 đồng, thậm chí có trường hợp rao bán giá 150.000 đồng/cổ phiếu...

Khi giá quyền chuyển đổi được đẩy lên chóng mặt

Đó là tình trạng trái phiếu Vietcombank (VCB) trên thị trường hiện nay. Để chuẩn bị cho tiến trình cổ phần hóa, cuối tháng 12-2005, VCB đã phát hành 12 triệu trái phiếu chuyển đổi VNĐ với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu (cộng trừ 15%), trong đó 70% dành cho nhà đầu tư tổ chức (thông qua hình thức đấu giá lãi suất) và 30% dành cho nhà đầu tư cá nhân.

Về quyền lợi của người mua trái phiếu, ngoài việc được hưởng lãi suất (6%/năm), chủ sở hữu trái phiếu sẽ được chuyển đổi sang cổ phiếu khi ngân hàng này tiến hành cổ phần hóa (dự định là năm 2007).

Có lẽ do sức hấp dẫn muốn được nắm giữ cổ phần của một ngân hàng thuộc loại hàng đầu VN nên chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, giá trái phiếu VCB đã vọt lên gần 2 lần.

Gần đây, do có thông tin VCB có thể sẽ cổ phần hóa ngay trong cuối quý II hoặc quý III này, nên rất nhiều người đổ xô tìm mua, đẩy giá trái phiếu chuyển đổi của VCB tăng đến chóng mặt.

Trên các sàn giao dịch OTC, lúc cao điểm trái phiếu này đã được chào bán gấp hơn 3 lần mệnh giá. Và hiện tại, dù đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn được mua bán với giá từ 2,5 đến 2,6 lần mệnh giá... Giá tăng đến chóng mặt khiến nhiều người am hiểu vấn đề không khỏi thốt lên: “Giá không thể tin được, dù đó là sự thật”...

Một loại trái phiếu khác cũng đang được rao bán trên thị trường OTC với giá “không thể tưởng tượng” là trái phiếu tăng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dù đến thời điểm này vẫn chưa có gì rõ ràng về thời gian cổ phần hóa ngân hàng này, trái phiếu này cũng không có những cam kết chuyển đổi cụ thể như trái phiếu VCB nhưng giá hiện cũng được chào bán tới 1,5 lần mệnh giá...

Rủi ro chực chờ

Thực ra, việc nhà đầu tư bỏ tiền để mua quyền mua cổ phiếu của một đơn vị nào đó ngay trước khi cổ phần hóa xét ở khía cạnh đầu tư cũng là bình thường. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều người đang phải bỏ ra một số tiền quá lớn khi chưa biết giá cổ phiếu của đơn vị đó sẽ ở mức nào. Rủi ro chính là ở điểm này.

Chẳng hạn, đối với trái phiếu của VCB, nguyên tắc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu đã được ngân hàng này quy định ngay từ khi phát hành trái phiếu là: Chủ sở hữu trái phiếu sẽ được quyền sử dụng 100% giá trị trái phiếu (gồm mệnh giá và lãi suất) để mua cổ phiếu phổ thông của VCB khi ngân hàng này tiến hành cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Giá mua cổ phiếu là giá cổ phiếu được hình thành sau cuộc bán đấu giá phát hành lần đầu ra công chúng.

Qua thực tế những lần đấu giá cổ phiếu của các doanh nghiệp gần đây cho thấy, mức giá trúng thầu đều rất cao, thậm chí nhiều người trúng thầu đã phải bỏ tiền cọc vì không kham nổi. Với các đơn vị như VCB, giá cổ phiếu hình thành từ đấu giá chắc chắn cũng sẽ rất cao.

Và khi đó, người mua lại trái phiếu giá cao hiện nay không thể hy vọng mua được cổ phiếu giá rẻ đã đành mà còn tốn thêm khoản chênh lệch quá lớn do “mua quyền” quá cao.

Mới đây, khi trả lời báo chí, một lãnh đạo VCB cũng đã cho rằng việc trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng này lên đến 2,5 lần mệnh giá là không hợp lý. “Người giữ trái phiếu có quyền được chuyển đổi giá trị trái phiếu sang cổ phiếu. Nhưng vì quyền đó mà mua cao như vậy là không hợp lý” - ông nhấn mạnh...

Thực tế hiện nay cho thấy, nếu có tiền, muốn sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp lớn cũng không phải quá khó. Nhà đầu tư có thể trực tiếp đăng ký đấu giá để mua; mua lại của những người đấu giá trúng vì rất nhiều người tham gia đấu giá chỉ để bán lại hưởng chênh lệch ít nhiều chứ không nhằm mục đích sở hữu lâu dài cổ phiếu.

Hoặc cũng có thể mua lại của CB-CNV đơn vị khi cổ phiếu có giá chính thức... Mua từ các nguồn này sẽ sát giá thị trường hơn và đương nhiên an toàn hơn nhiều so với dạng mua “lúa non”.

Theo Quang Hòa
Báo Người lao động