Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp lên cơn "sốt"
(Dân trí) - "Đây là một cơ hội tốt để tiến hành các vụ mua bán, sáp nhập các công ty (M&A) tại Việt Nam. Do khó khăn về vốn, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu bán bớt cổ phần, thậm chí bán cả cho các đối tác nước ngoài".
Ông Phan Xuân Cần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính Việt Nam TigerInvest đã nhận định.
Doanh nghiệp đứng bên bờ vực thẳm
Tính đến hết tháng 8/2008, mức lạm phát ở Việt Nam vẫn cao (22,14%), tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã làm gia tăng một loạt các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp như: chi phí nhân công, tiền lương, nguyên vật liệu nhập khẩu... Trong khi đó, đầu ra lại không tăng được tương ứng…
Lạm phát cao dẫn đến chính phủ quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ, ảnh hưởng lớn tới việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng của các doanh nghiệp. Một số khoản vay dành cho các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nằm vào khoản vay vốn lưu động hoặc trong khoảng thời gian ngắn hạn dưới 1 năm.
Ngay cả khi vay được thì với lãi suất cho vay trung bình khoảng 21%/năm buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc, thậm chí không dám vay. Vì theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu vay với mức lãi suất 21% thì doanh nghiệp phải đạt mức lợi nhuận khoảng 40% mới bảo đảm hoạt động kinh doanh.
Theo thống kê, hiện có khoảng 350.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam với 95% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nhưng đang là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khó khăn kinh tế hiện nay ở Việt Nam. Và theo ông Phan Xuân Cần, có tới 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản!
"M&A" - lối ra cho các doanh nghiệp thiếu vốn
Rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rơi vào tình trạng bế tắc vì thiếu vốn trầm trọng. Bởi vậy, các chủ doanh nghiệp đã nghĩ tới việc bán bớt cổ phần, thậm chí bán cả công ty cho các đối tác nước ngoài để có thêm các nguồn vốn, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những vụ mua bán cổ phần giữa các công ty Việt Nam và nước ngoài. Điển hình như ngân hàng HSBC mua 20% cổ phần của ngân hàng Techcombank; Công ty bảo hiểm nhân thọ Daiichi mua lại toàn bộ 100% cổ phần của Bảo Minh CMG; Indochina capital mua lại 20% cổ phần của công ty địa ốc Hoàng Quân với giá 20 triệu USD...
Rất nhiều thương vụ về mua bán - sáp nhập công ty, rất nhiều tên tuổi lớn trên thế giới, các nhà đầu tư tài chính, ngân hàng, các quỹ đầu tư cũng như các tập đoàn về công nghiệp, BĐS đã trở thành người mua và tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam qua hình thức mua bán sáp nhập.
Bằng chứng là mặc dù thị trường "M&A" ở Việt Nam mới phát triển, nhưng ngay trong năm 2007 cũng đã thể hiện giá trị kinh tế rất cao, hơn 1,7 tỷ USD. Trong đó, riêng 6 tháng cuối năm 2007, tổng giá trị "M&A" của thị trường Việt Nam là hơn 1 tỷ USD.
Trong nửa đầu năm 2008, xu hướng "M&A" có sự giảm sút tuy nhiên trên thực tế vẫn có rất nhiều thương vụ được triển khai ở Việt Nam song đa phần đều không được công bố (vì việc công bố một thương vụ M&A cần có sự đồng ý của cả bên mua và bên bán).
Cơ hội vàng cho nhà đầu tư mua
Hiện nay, nhu cầu bán cổ phần của các công ty Việt Nam đang ngày càng lớn. Đại diện một trang web chuyên về lĩnh vực này cho biết: Nếu như trong năm 2007 chỉ có khoảng 250 - 300 danh mục đầu tư được kêu gọi mua bán - sáp nhập đầu tư trên web này thì đến quý II/2008, con số ấy lúc nào cũng xấp xỉ 700.
Ông Cần cho biết: "Với những lý do về sự không ổn định trên thị trường, một số các thương vụ mua bán, sáp nhập cũng đã bị trì hoãn lại, đồng thời giá trị cũng bị giảm xuống. Và không chỉ có đối tác nước ngoài, một số tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam cũng đang tìm kiếm các cơ hội để mua lại các doanh nghiệp nhỏ hơn, mua lại để gia tăng quy mô".
Rõ ràng, đây là một thời điểm thuận lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài để tham gia vào thị trường mua bán - sáp nhập công ty khi có tới hơn 350.000 doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ đang là đối tượng bị ảnh hưởng bởi những khó khăn từ nền kinh tế và là nhóm đối tượng mà các nhà đầu tư có thể nhắm tới.
Các chuyên gia cũng nhận định: Hoạt động "M&A" chính là con đường ngắn nhất để tham gia vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Nó cũng là con đường ngắn nhất mà các nhà đầu tư có thể tận dụng hệ thống phân phối mạng lưới khách hàng, cơ sở dữ liệu khách hàng, các quy trình cũng như nguồn nhân lực sẵn có của các đối tác Việt Nam.
Bên cạnh đó, các quy định của luật pháp liên quan đến mua bán - sáp nhập đang ngày càng được cải thiện. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng nhanh... Điều đó chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh lâu dài vào Việt Nam cũng như việc lựa chọn thời điểm và cơ hội để thực hiện các thương vụ "M&A" một cách hiệu quả nhất.
Lan Hương